Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về việc tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng . Dưới đây là nội dung chi tiết:
Hai năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng toàn cầu. Tại Việt Nam, thị trường này cũng điêu đứng khi việc hạn chế đi lại và tập trung đông người phục vụ phòng chống dịch bệnh đã khiến ngành du lịch đình trệ, dẫn đến hàng loạt khách sạn, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng gần như "đóng băng" hoạt động; không ít cơ sở lưu trú du lịch phải đóng cửa. Song việc triển khai kế hoạch tiêm phủ vắc-xin và quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022 đã trở thành chất xúc tác giúp thị trường du lịch nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng có những bước phục hồi tích cực.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự thiếu vắng hành lang pháp lý đối với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã và đang gây ra nhiều khó khăn, bất cập cho tất cả các chủ thể liên quan trên thị trường, từ công tác quản lý Nhà nước tại các địa phương đến những tắc nghẽn trong hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc bất động sản này của doanh nghiệp và nhà đầu tư, khách hàng.
Đối với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, đó là sự lúng túng trong công tác quản lý liên quan tới các sản phẩm bất động sản du lịch, sự thiếu thống nhất giữa các địa phương khi thực hiện thủ tục hành chính, xác định chế độ sử dụng đất, giải quyết các tranh chấp nếu có phát sinh… trong lĩnh vực này.
Với doanh nghiệp, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng đầu tư, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho bất động sản du lịch, khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp. Đơn cử như thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, nếu là nhà ở quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì sẽ được miễn giấy phép xây dựng nhưng nếu là công trình bất động sản du lịch với các điều kiện tương tự về quy mô, diện tích sàn, quy hoạch 1/500 thì chủ đầu tư vẫn phải xin cấp Giấy phép xây dựng. Bên cạnh đó còn là những bất cập do không được hưởng các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, tiền thuế dù đầu tư bất động sản du lịch là đầu tư lớn và có chu kỳ kinh doanh dài…
Đối với khách hàng, sau những sự cố liên quan tới bất động sản du lịch, không ít người đã xuất hiện tâm lý lo lắng, mất niềm tin vào các sản phẩm mới cũng như thị trường. Bất an, ngần ngại là tâm lý phổ biến khi đầu tư sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Việc pháp lý của loại hình bất động sản này chưa rõ ràng cũng khiến nhà đầu tư cá nhân khó tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản phẩm, dẫn đến rất nhiều khó khăn khi tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo các hợp đồng chuyển nhượng đã ký kết.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật S&B Law nhận định: “Phân khúc bất động sản du lịch hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển nói chung của ngành du lịch, hứa hẹn một triển vọng đầu tư tích cực cho các nhà đầu tư, nhưng những rủi ro phát sinh từ khung pháp lý hiện hành đã ngăn trở những khả năng tốt đẹp ấy trở thành sự thật. Để chuẩn bị cho sự hồi phục của ngành du lịch khi thị trường được mở cửa trở lại, rất cần Nhà nước nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng này”.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Chủ tịch SBLaw
Đề cập đến điểm yếu pháp lý đối với bất động sản nghỉ dưỡng trong dài hạn, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn cho rằng, “u nhọt” lớn nhất của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay là pháp lý rối ren, khiến toàn bộ thị trường bị ngưng trệ. Doanh nghiệp e dè triển khai dự án, nhà đầu tư ngần ngại không dám vào khiến môi trường đầu tư trở nên yếu kém.
Giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh: “Cơ chế, chính sách thông thoáng cần sớm được áp dụng, như một giải pháp cấp bách giúp thị trường hồi phục nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là giải pháp dài hạn để thúc đẩy thị trường phát triển tự do, minh bạch, lành mạnh, giúp khai thác tối đa lợi thế của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”.
Theo đó, giới chuyên gia cho rằng, có 3 việc cấp thiết hiện nay cần phải thực hiện nhanh chóng:
Thứ nhất, khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch cần thống nhất định danh cụ thể hình thức đất xây dựng bất động sản du lịch, quy mô và vai trò của thị trường này, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi đặc thù; pháp luật về đầu tư, kinh doanh; cơ chế quản lý, sử dụng đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu tài sản cho người mua; vấn đề thu hút, huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư…
Thứ hai, khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch cần được thiết kế và hoàn thiện dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Thứ ba, cần khẩn trương tạo lập hành lang pháp lý chính thức cho thị trường bất động sản du lịch như: Hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và thủ tục đầu tư; thống nhất quản lý của Nhà nước trong các Luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…/.
Nguồn :https://reatimes.vn/chay-nuoc-rut-thao-go-diem-nghen-phap-ly-cua-bds-nghi-duong-20201224000011195.html