Đã có khung pháp lý cho vay ngang hàng?

Nội dung bài viết

  1. Thưa ông, hiện nay hình thức cho vay ngang hàng đang rất phổ biến, xin ông cho biết hoạt động này hiện nay được quy định như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hình thức vay ngang hàng (P2P). Hoạt động cho vay là hoạt động chủ chốt của các ngân hàng, được cấp phép và quản lý hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước. Tất cả các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng đều không được phép thực hiện các hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, những quan hệ vay mượn trực tiếp không mang tính chất kinh doanh giữa các cá nhân và tổ chức thì vẫn được xem là những giao dịch dân sự hợp pháp nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

Do đó, các quy định pháp lý và vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay ngang hàng vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Trước thực tế thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn số 5228/NHNN-CSTT ngày 8/7/2019 để lưu ý về những biến tướng của hoạt động này.

Ngoài ra, hiện nay, Ngân hàng nhà nước đã hoàn thiện Báo cáo cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng để trình Chính phủ, dự kiến đưa lĩnh vực cho vay ngang hàng vào Đề án cơ chế quản lí thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Cơ chế Regulatory Sandbox).

Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia.

Xét cụ thể lĩnh vực cho vay ngang hàng, đây là một chương trình thử nghiệm có kiểm soát để cơ quan chức năng quan sát và đánh giá hoạt động của các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng. Sandbox sẽ đặt ra yêu cầu, phạm vi, đáp ứng tiêu chí nhất định, cơ quan quản lý theo đó sẽ giám sát chặt chẽ hồ sơ của doanh nghiệp xin tham gia để kiểm soát được rủi ro, tránh tác động người sử dụng cuối cùng.

Một công ty được phép tham gia chương trình thử nghiệm này được xem là một sự chấp thuận của cơ quan chức năng cho phép công ty này hoạt động một cách hợp lệ, ít nhất trong thời gian thử nghiệm. Những công ty được tham gia chương trình sẽ tăng độ uy tín của họ trên thị trường, điều này giúp thị trường nhận diện và lọc những công ty thiếu uy tín trong lĩnh vực cho vay ngang hàng.

  1. Với hình thức cho vay ngang hàng, người vay sẽ gặp những rủi ro như thế nào?

Trả lời:

Cho vay ngang hàng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, như việc trước khi một cá nhân được chấp thuận vay vốn từ công ty cho vay ngang hàng, tất cả các thông tin xung quanh cá nhân này sẽ được thu thập qua phần mềm được lập trình.

Không chỉ dừng lại là thông tin, lý lịch, tiểu sử, hay hoạt động trên các mạng xã hội… mà còn là thông tin liên hệ của những người liên quan như cha/mẹ/vợ/chồng/anh chị em… Vấn đề phát sinh là khi người đi vay không trả được nợ, thì những người liên quan tới người đi vay cũng dễ bị quấy nhiễu, làm phiền để đòi nợ. Đó là chưa kể những rủi ro khi thông tin cá nhân các bên tham gia bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật. Không loại trừ khả năng một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng cho vay ngang hàng để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố, huy động tài chính đa cấp, bán dữ liệu cá nhân…

Trên thực tế, do chưa được cấp phép hoạt động chính thức, các công ty cho vay ngang hàng đều đang hoạt động núp bóng tư vấn đầu tư. Vì chưa có khung pháp lý điều chỉnh, lo ngại rủi ro cho cả người đi vay và cho vay khi không có cơ quan pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, phải kể đến rủi ro lãi suất. Các công ty này đưa ra nhiều hình thức phạt làm độn chi phí cho người vay rất lớn như lãi suất phạt chậm trả tiền lãi, gốc… Do đó, nếu không tỉnh táo người vay sẽ rơi vào bẫy lãi suất của các công ty cho vay ngang hàng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan