Trong bài "Cục phó mất gần 400 triệu: Sao dừng thanh tra khi mất tiền là việc riêng?" đăng trên báo Dân Việt, có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Bạn đọc đặt ra câu hỏi trên sau vụ việc ông Nguyễn Xuân Quang - Cục phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT) báo mất trộm gần 400 triệu đồng trong khách sạn.
Vụ việc ông Nguyễn Xuân Quang – Cục phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường báo mất trộm 385 triệu đồng và việc sáng nay (29.9), Tổng cục Môi trường yêu cầu ông Nguyễn Xuân Quang tạm dừng việc thanh tra để về Hà Nội báo cáo, giải trình vụ việc, đang thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả.
Báo Điện tử Dân Việt ghi nhận nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh sự việc này.
Được biết, ông Nguyễn Xuân Quang đã phải dừng thanh tra để về Hà Nội báo cáo vụ việc. IT
Sao không chuyển tiền qua ngân hàng?
“Tôi rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ sao lãnh đạo đi công tác phải mang nhiều tiền? Nếu đã chuẩn bị trước có việc cần đến số tiền lớn, sao không chuyển tiền qua ngân hàng cho người em mà lại mang đi cho cực nhỉ? Thời buổi này, chuyển tiền qua ngân hàng, hoặc thậm chí gửi vào tài khoản, chỉ cần cầm 1 cái thẻ ATM hoặc 1 cái CMND đi là đến đâu cũng có thể rút được, đỡ rủi ro khi mang theo tiền mặt quá lớn.
Rồi còn các phong bì đã bóc được phát hiện trong phòng vị Cục phó như các báo đã đưa, cần làm rõ để tránh những điều tiếng không hay”.
(Bạn đọc Thanh Tuyền, Hải Dương)
Tại sao phải dừng thanh tra?
“Tại sao lại dừng thanh tra khi mất tiền là việc cá nhân? Tôi nghĩ, công tư phân minh, đã lên kế hoạch thì phải làm đúng kế hoạch còn việc mất cắp đã có công an điều tra”.
(Bạn đọc Phùng Tuấn)
Khách sạn nên thông báo dịch vụ trông tiền cho khách VIP
“Đưa số tiền lớn như vậy mà vào khách sạn, nếu khách sạn có trang bị két trong phòng thì sử dụng két. Khi mất tiền còn liên quan đến việc két có bị đục phá hay mất cả két.
Còn nếu không thì gửi ở Lễ tân khách sạn. Sau vụ việc này, thiết nghĩ các khách sạn nên thông báo cho khách biết có dịch vụ trông giữ tiền cho khách VIP để tránh những phiền hà sau này".
(Bạn đọc Trandatbinh_...@yahoo.com.vn)
Có nhiều cách minh bạch nguồn thu
“Nếu ông Cục phó mang tiền đi từ nhà, tôi nghĩ chỉ cần kiểm tra thông tin soi chiếu an ninh ở sân bay là biết ngay ông này có mang theo số lượng tiền lớn như vậy không?”.
(Bạn đọc Can Khuong)
Xem xét lỗ hổng của pháp luật
"Ở nước Áo nếu một người mang theo số tiền lớn thì phải có cơ sở để chứng minh đó là tiền hợp pháp, nếu không có chẳng may bị cảnh sát kiểm tra thì sẽ bị truy cùng, rất dễ rơi vào vòng lao lý.
Ví dụ anh vừa rút tiền tiết kiệm thì phải có biên lai lĩnh tiền. Có biên lai lĩnh tiền cũng chưa chắc đã ổn, họ sẽ truy tận gốc: số tiền gửi tiết kiệm này lấy từ đâu ra.
Nếu nói số tiền đó trích từ thu nhập hàng tháng thì họ sẽ xem bảng lương, trừ các khoản chi phí mỗi tháng anh bỏ ra được bao nhiêu tiền để tiết kiệm… lúc đó họ sẽ biết số tiền đó hợp lý hay không. Nhưng ở Việt Nam tôi không thấy có cơ chế kiểm soát này.
Từ thông tin về những vụ mất tiền đăng tải trên Báo Dân Việt, tôi thấy rằng số tiền của những cán bộ quan chức bị mất có thể có thể là thu nhập hợp pháp hoặc ai đó gửi, nhờ chuyển là có thật, nhưng cũng không loại trừ đó là thu nhập bất hợp pháp. Nhưng bởi thiếu cơ chế kiểm soát nên rất khó làm được minh bạch. Đây lỗ hổng của pháp luật cần phải được lấp đầy".
(Bạn đọc Nguyễn Văn Hiệp, Neudad, CH Áo)
Cần hoàn thiện chính sách kiểm soát thu nhập
“Tôi cho rằng cán bộ công chức có một vài tỷ đồng cũng không có gì lớn và cũng không phải là ít. Nhưng thông thường đó là tài sản như nhà cửa, ô tô… để phục vụ cho lao động, công tác, sinh hoạt chứ hiếm gặp người có hàng mấy trăm triệu tiền mặt để trong nhà hay đi công tác. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi, nguồn tiền của cán bộ là từ đâu ra?. Từ những vụ việc này, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách pháp luật để kiểm soát thu nhập. Có như thế mới không làm oan người vô tội và chống được tham nhũng có hiệu quả.”
(Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW)