Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài viết về CTCK và trái phiếu: Chưa giải quyết triệt để, cần sớm sửa đổi Nghị định 153 trên báo Lao Động. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Trước năm 2019, Luật Chứng khoán cũ quy định giám sát thị trường chứng khoán (TTCK) theo 2 lớp gồm Sở Giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Từ năm 2019, Luật Chứng khoán sửa đổi đã tăng cường thêm lớp rà soát trực tiếp của công ty chứng khoán (CTCK) ngay từ đầu khâu tham gia thị trường.
Nhìn rộng ra thị trường trái phiếu nói chung, ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành cho doanh nghiệp, rất nhiều CTCK còn giữ thêm vai trò đơn vị phân phối thứ cấp.
Chính vì lý do này nên CTCK hoàn toàn có khả năng "bánh vẽ" để chào mời các nhà đầu tư mua hết hàng. Nhất là trong thời gian qua, xuất hiện nhiều doanh nghiệp kém chất lượng nhưng vẫn tìm mọi cách phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Đáng chú ý, những sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ này đều thuê tư vấn phát hành, tư vấn định giá từ các CTCK.
Phản ứng lại, ngày 29.4 vừa qua, UBCKNN đã ra công văn số 2488/UBCK-QLKD yêu cầu các CTCK tuân thủ những quy định liên quan đến phát hành TPDN riêng lẻ, đảm bảo doanh nghiệp phát hành đáp ứng đầy đủ điều kiện chào bán trái phiếu.
Trong công văn, UBCKNN nhấn mạnh, hành vi cung cấp không chính xác, không đầy đủ thông tin và chào mời cho sai đối tượng nhà đầu tư sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Báo Lao động, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLaw, Đoàn Luật sư Hà Nội - cho biết, công văn này của UBCKNN sẽ thúc đẩy việc rà soát hồ sơ chào bán trái phiếu, yêu cầu doanh nghiệp phải công bố đầy đủ, chính xác thông tin. Từ đó góp phần đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hạn chế được những hành vi vi phạm, làm lũng đoạn thị trường TPDN.
Luật sư cũng nhận định: "Công văn không có giá trị pháp lý như Thông tư và Nghị định, chỉ là văn bản nhắc nhở chung. Do đó nó không giải quyết được triệt để vấn đề tồn tại của việc phát hành TPDN riêng lẻ.
Muốn giải quyết những vấn đề phát sinh, cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP."
Qua đây, ông Hà đề xuất Bộ Tài chính cần khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định 153 theo hướng siết chặt hợp lý, quản lý chặt chẽ các CTCK tư vấn phát hành. Các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành. Đồng thời thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu, chỉ phục vụ đầu tư triển khai dự án.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm theo hướng tăng nặng chế tài hành chính, bổ sung chế tài hình sự để có cơ sở áp dụng các biện pháp mạnh tay, tăng cường xử lý hình sự đối với những vụ việc liên quan đến phát hành TPDN để răn đe. Đồng thời, cần rà soát, đánh giá về cơ chế chính sách liên quan đến phát hành, giao dịch và cung cấp dịch vụ về TPDN.
Luật sư đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về phát hành TPDN ra công chúng và riêng lẻ theo hướng sau. Đối với phát hành ra công chúng, cần bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và niêm yết, giao dịch trên TTCK. Đối với phát hành riêng lẻ thì cần quy định đối tượng phát hành và giao dịch là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hà cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi các Nghị định với mục tiêu làm lành mạnh hóa thị trường. Bịt những lỗ hổng nhưng không nên quá thắt chặt, ảnh hưởng tới quá trình huy động vốn bằng trái phiếu. Hành lang pháp lý ngoài phục vụ mục tiêu quản lý còn là công cụ để thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Bộ Tài chính đã 5 lần đưa ra 5 dự thảo sửa đổi Nghị định 153 nhưng vẫn chưa lần nào không dính "thị phi". Ông Khổng Phan Đức - Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital - mong muốn Nghị định 153 sửa đổi sẽ không làm giảm đi cơ hội tiếp cận vốn của bất kỳ một doanh nghiệp nào và cũng không ngăn luồng vốn chảy từ khu vực dân cư tới doanh nghiệp, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung và đất nước.