Cuộc chiến với dịch COVID-19 đã bước sang một giai đoạn 2 nhưng Việt Nam vẫn chưa công bố tình trạng khẩn cấp.
Ngày 31/1/2020, trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng tại Việt Nam vẫn chưa công bố tình trạng y tế khẩn cấp, Việt Nam mới chỉ công bố dịch.
Đây là lần thứ 6, WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, tuy nhiên, Việt Nam chưa từng công bố tình trạng khẩn cấp.
Để lý giải nguyên nhân vì sao cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa công bố tình trạng khẩn cấp, từ góc nhìn pháp luật, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLAW.
-Vậy việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được pháp luật nước ta quy định như thế nào, thưa ông?
Nguyên tắc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
- Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp;
- Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.
Và việc ban bố sẽ được thực hiện theo trình tự thủ tục như sau:
Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Việc ban bố phải được thể hiện dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật ghi rõ nội dung sau:
Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp, Địa bàn trong tình trạng khẩn cấp, Ngày, giờ bắt đầu tình trạng khẩn cấp, Thẩm quyền tổ chức thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
- Vậy theo ông khi nào thì chúng ta ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh?
Tình trạng khẩn cấp là một tuyên bố của chính phủ mà theo đó có thể tạm ngưng một số chức năng bình thường của chính phủ và có thể cảnh báo công dân của mình thay đổi các hành vi bình thường hoặc có thể ra lệnh cho các cơ quan của chính phủ thi hành các kế hoạch sẵn sàng cho tình trạng khẩn cấp.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cũng được sử dụng làm một cơ sở hợp lý để tạm ngừng các quyền tự do dân sự, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế và xã hội của đất nước.
Vì vậy, việc công bố tình trạng khẩn cấp về dịch chỉ khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo quan điểm của tôi, các cơ quan chức năng đang theo dõi sát tiến trình phát triển của dịch bệnh, nếu đủ điều kiện thì có thể sẽ ban bố.
- Như vậy, ngoài kịch bản ban bố tình trạng khẩn cấp, ở góc độ pháp lý, theo ông chúng ta cũng cần có các phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh ra sao?
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Việt Nam chúng ta đã ứng phó khá tốt so với các nước khác trên thế giới.
So với số lượng hàng trăm, hàng nghìn người bị nhiễm Co-vid tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, … thì hiện Việt Nam đang dừng ở con số 31, thậm chí nếu không xảy ra vụ việc một hành khách trở về không khai báo dẫn đến dịch bệnh bị lan rộng thì Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đã có các phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh ngay từ thời gian đầu và các Bộ, ban, ngành còn chuẩn bị kịch bản ứng phó ngay cả trong trường hợp xấu nhất là khi con số nhiễm virus có thể lên đến hàng nghìn người.
Trước mắt, có thể thấy Chính phủ đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh qua các bước khai báo, cách ly, đồng thời tích cực tuyên truyền biện pháp phòng ngừa qua các phương tiện truyền thông, xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi lẩn tránh cách ly hoặc lợi dụng tình hình bệnh dịch để trục lợi.
Theo thông tin mới nhất Việt Nam có thể sẽ thực hiện khai báo toàn dân. Tôi tin phương án này sẽ giúp Việt Nam kiểm soát tình hình tốt hơn nữa.
-Trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh thì các cơ quan chức năng được quyền thực hiện các biện pháp, thủ tục hành chính pháp lý nào, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tình trạng khẩn cấp được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000... Đối với việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mà trực tiếp là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 như đã trình bày ở trên.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp phải được thể hiện dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
Để chủ động về trình tự, thủ tục và hồ sơ đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona gây ra, Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Đồng thời, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm.