Covid 19 có được coi là sự kiện bất khả kháng?

Nội dung bài viết

Dịch Covid 19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng rất lớn việc thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp dẫn tới những vi phạm nghiêm trọng xảy ra liên quan đến sự kiện bất khả kháng. Giải đáp cho thắc mắc liệu dịch Covid 19 có thể coi là sự kiện bất khả kháng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trả lời kênh HTV - Đài truyền hình Hà Nội như sau:

Câu hỏi: Bộ luật dân sự hiện hành quy định như thế nào về sự kiện bất khả kháng, theo luật sư, dịch covid 19 có thể coi là sự kiện bất khả kháng hay không?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 thì sự kiện bất khả kháng được định nghĩa là “sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Như vậy, một sự kiện được coi là bất khả kháng khi đáp ứng các yếu tố sau đây: (1) Xảy ra một cách khách quan; (2) Không thể lường trước; (3) Không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Đối chiếu với dịch bệnh Covid-19, có thể nhận thấy đây là sự kiện xảy ra mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kì bên nào, cũng không do các bên tạo ra hay phát sinh do lỗi của các bên nên có thể khẳng định dịch bệnh Covid-19 là sự kiện khách quan, đáp ứng được điều kiện đầu tiên.

Đối với điều kiện (2) và (3), cần đặt vào hoàn cảnh cụ thể để đánh giá cũng như khả năng chứng minh của các bên. Tùy thuộc vào thời điểm giao kết hợp đồng và các văn bản, thông báo của Nhà nước để có thể đưa ra kết luận liệu Covid-19 có phải là sự kiện không thể lường trước hay không. Ví dụ với trường hợp các bên giao kết hợp đồng trong thời gian đã có dịch, dịch bệnh đang diễn ra thì khó có thể kết luận rằng đây là sự kiện không thể lường trước. Điều kiện số (3) là “không thể khắc phục đượcmặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”cũng phải được chứng minh để cơ quan giải quyết tranh chấp đánh giá khi có kiện tụng xảy ra.

Như vậy, dịch bệnh Covid-19 là có thể là sự kiện bất khả kháng hoặc không, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và khả năng chứng minh của các bên.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan