Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về đầu tư bất động sản trên báo Cafeland. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Có trong tay nguồn tiền nhàn rỗi, nhiều nhà đầu tư tay ngang băn khoăn không biết nên đầu tư đất nền tại Hà Nội hay đi xa hơn. Giới chuyên gia cho rằng, dịch chuyển về vùng ven thời điểm này là hợp lý nhưng cũng phải cẩn trọng.
Nhiều nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi băn khoăn giữa bất động sản Hà Nội và các tỉnh vùng ven.
Anh Nguyễn Hiền (Hà Đông, Hà Nội) cho biết anh đang có một ít tiền nhàn rỗi, muốn đầu tư bất động sản nhưng nghe nói thị trường đang trầm lắng bởi dịch bệnh nên chưa quyết định.
“Một tháng trở lại đây, tôi thấy bất động sản Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang sốt trở lại. Tôi cũng xuống nghe ngóng, thăm dò nhưng chưa dám xuống tiền”, anh Hiền nói và phân vân không biết nên đầu tư đất tại Hà Nội hay mua bất động sản vùng ven.
Ông Nguyễn Tuấn Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Minh Hưng, cho biết nhiều năm trước, các nhà đầu tư phía bắc có xu hướng "đánh bắt xa bờ", vào tận các thị trường phía nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Sau đó, giai đoạn 2019-2020, một xu hướng khác xuất hiện. Nhiều nhà đầu tư phía bắc lại quay về tập trung vào các tỉnh vệ tinh và vùng ven thủ đô.
“Rõ ràng, xu hướng ly tâm để dịch chuyển đầu tư về những vùng đất mới, bên cạnh thị trường truyền thống như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã diễn ra nhiều năm nay. Các địa phương lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình và Quảng Ninh (miền Bắc); Thanh Hóa (miền Trung); Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (miền Nam) đã ghi nhận giá đất không ngừng tăng lên. Đặc biệt trong 2 năm qua, trước tác động của dịch Covid-19, bất động sản không những không bị rớt giá mà còn tăng mạnh”, ông Nam nhận định.
Theo ông Nam, trong bối cảnh thị trường bất động sản nói chung, bất động sản Hà Nội nói riêng gặp nhiều khó khăn do nguồn cung rất ít trong khi quỹ đất không có và nhu cầu đầu tư luôn cao thì các dự án ở Hà Nội sẽ không có biên độ giảm, thay vào đó là tăng mạnh.
Trước thực tế này, dịch chuyển về bất động sản vùng ven được xem là quyết định hợp lý, đặc biệt các vùng ven thủ đô như Thái Nguyên, Bắc Giang hay vùng vệ tinh mũi nhọn kinh tế như Hải Phòng.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, hàng loạt chủ đầu tư lớn cũng đã tìm về thị trường bất động sản Hải Phòng, Đồ Sơn để phát triển dự án có quy mô hàng nghìn tỉ đồng.
Trong số đó có thể kế đến BRG Coastal City của Tập đoàn BRG, hay FLC Đồ Sơn của Tập đoàn FLC, Dragon Ocean của Tập đoàn Geleximco...
Tuy vậy, một chuyên gia khác cho rằng, năm 2022 có thể đã là giới hạn cuối cùng cho tham vọng “lướt sóng” khi thị trường được siết chặt, xu hướng đầu tư được chuyển dần từ ngắn hạn sang dài hạn.
Thay vì các đô thị lớn, nhiều nhà đầu tư đang tìm cơ hội ở những vùng ven Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng; hay vùng ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước…
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư muốn xuống tiền thời điểm hiện nay, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết việc mua bán các bất động sản hiện nay diễn ra thường xuyên. Các giao dịch thường diễn ra gồm mua đất nền, các sản phẩm gắn với đất nền hoặc chung cư.
Tuy nhiên, đã có không ít người vướng phải những vấn đề pháp lý khi mua bất động sản. Vì vậy, trước khi quyết định mua đất, nhà… người mua cần tìm hiểu kỹ những lưu ý pháp lý quan trọng trước, trong và sau quá trình giao dịch.
Bên cạnh đó, cần phải xem xét năng lực của chủ đầu tư như thế nào. Dự án đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng hay chưa cũng như những thiết kế đã được Sở Xây dựng phê duyệt chưa?
“Những giấy tờ giao dịch có thể thực hiện dựa trên hướng dẫn của nhân viên kinh doanh sàn phân phối hay cá nhân môi giới. Nhưng nhà đầu tư cần phải xem cá nhân đó có được ủy quyền hay không. Hay sàn môi giới có được cấp phép hoạt động hay không?” luật sư Hà nói.
Ngoài ra, cần kiểm tra tính pháp lý của đất nền xem đã có quyết định giao đất chưa. Thương lượng trước về vấn đề thay đổi quy hoạch và đưa vấn đề này vào văn bản chính thức.
Theo luật sư Hà, các điều khoản của hợp đồng cần phải quy định chi tiết, rõ ràng về giá, cách thanh toán, thời hạn thanh toán, thời hạn bàn giao, các mức phạt đền bù thiệt hại,…
Chủ đầu tư có giấy phép xây dựng chưa? Dự án đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước chưa?
Đặc biệt, nhà đầu tư không nên mua bất động sản chung sổ để tránh vấn đề tách sổ phức tạp sau này. Cần đặc biệt quan tâm đến câu chuyện sổ đỏ.
“Các sản phẩm có sổ đỏ là một bảo chứng rất lớn để nhà đầu tư có thể yên tâm khi đầu tư”, luật sư Hà nhấn mạnh.
Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/co-tien-nhan-roi-nen-dau-tu-vao-dau-107654.html