Có thể dựa vào quy định về quy hoạch để đóng cửa khu công nghiệp

Nội dung bài viết

Dưới đây là ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW trong phần trả lời phóng viên BNEWS/TTXVN về việc UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện đóng cửa và di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I.

BNEWS: Theo Nghị định 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế không có quy định nào về việc đóng cửa, chấm dứt hoạt động khu công nghiệp, khu kinh tế. Vậy trong trường hợp tỉnh Đồng Nai muốn đóng cửa và di dời Khu Công nghiệp Biên Hoà I, họ có thể dựa vào cơ sở pháp lý nào thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực từ ngày 10/7/2018) không có quy định nào về việc đóng cửa, chấm dứt hoạt động khu công nghiệp, khu kinh tế. Do đó, việc đóng cửa Khu Công nghiệp Biên Hòa I sẽ thiếu cơ sở pháp lý.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW. Ảnh: Phạm Giáp/BNEWS/TTXVN

Tuy nhiên, Chương II Nghị định 82/2018/NĐ-CP có quy định lập quy hoạch, đưa vào quy hoạch, bổ sung và đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào các quy định này để đưa Khu công nghiệp Biên Hòa I ra khỏi quy hoạch. Sau đó, thực hiện đề án di dời, chuyển đổi công năng khu công nghiệp.

Vì hiện tại không có quy định nào về đóng cửa, chấm dứt hoạt động khu công nghiệp nên theo tôi việc căn cứ vào quy định trên là hợp lý.

Quy hoạch không chỉ dành cho các dự án tương lai mà còn có thể áp dụng đối với cả khu công nghiệp đang hoạt động.

Trong trường hợp này, sẽ căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh.

BNEWS: Việc di dời nhằm mục đích khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu vực đó. Xin ông cho biết cụ thể hơn về quy định việc di chuyển cơ sở gây ô nhiễm và đưa các dự án khu công nghiệp ra khỏi quy hoạch?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Điều 8 Nghị định 82/2018/NĐ-CP có quy định về việc đưa khu công nghiệp ra khỏi quy hoạch phát triển khu công nghiệp như sau:

“Khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được điều chỉnh giảm diện tích đất quy hoạch đã được phê duyệt hoặc đưa ra khỏi quy hoạch phát triển khu công nghiệp để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về quy hoạch có liên quan, khả năng thu hút đầu tư của khu công nghiệp; đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa; nhu cầu chuyển đổi mục đích đất khu công nghiệp sang xây dựng đô thị, nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho công nhân trong khu công nghiệp.”

Nếu Khu công nghiệp Biên Hòa I được di dời thì sẽ mang lại lợi ích to lớn, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường vì các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa I xả thải ra sông, khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

BNEWS: Việc di dời khu công nghiệp ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó. Vậy theo ông, các doanh nghiệp đó có nhận được hỗ trợ gì không và cứ theo quy định nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Từ trước đến nay chưa có tiền lệ di dời cả một khu công nghiệp nên có nhiều khúc mắc trong hành lang pháp lý. Do đó, trong đề án cần xây dựng một cơ chế đặc thù.

Nếu doanh nghiệp nào đủ khả năng về năng lực và tài chính thì có quyền tự chuyển đổi công năng theo quy hoạch được duyệt ở khu đất của mình tại đây.

Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng sẽ nhận tiền bồi thường hoặc hỗ trợ di dời xây dựng nhà máy ở vị trí mới.

Ngoài ra, doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nếu không có khả năng tự chuyển đổi công năng theo quy hoạch sẽ được ưu tiên tham gia vào cổ đông của một công ty mới được thành lập để quản lý Dự án khu đô thị – dịch vụ – thương mại sau khi chuyển đổi, tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp bằng tỷ lệ đất đang thuê ở trong khu công nghiệp để đảm bảo sự công bằng.

Nguồn: https://bnews.vn/co-the-dua-vao-quy-dinh-ve-quy-hoach-de-dong-cua-khu-cong-nghiep/93841.html
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan