Câu hỏi: Tôi ở Hà Nội. Bố tôi là cổ đông của một công ty cổ phần, bố tôi có số cổ phần là 30%. Bố tôi mất để lại di chúc cho tôi hưởng số cổ phần đó. Bố tôi mới mất, nhưng bây giờ tôi không muốn trở thành cổ đông của công ty cũng như làm việc tại công ty đó. Quý công ty tư vấn giúp tôi phải giải quyết như thế nào với số cổ phần đó, tôi có thể chuyển nhượng được không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khoản 3 Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty”. Như vậy, bố bạn có di chúc và nếu di chúc hợp pháp thì bạn sẽ được thừa kế cổ phần của bố bạn và trở thành cổ đông của công ty; trừ trường hợp bị hạn chế về chuyển nhượng cổ phần quy định trong Điều lệ công ty và trường hợp chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập quy định tại Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Như bạn cung cấp thông tin thì bố bạn mới mất, hiện tại vẫn chưa làm thủ tục mở thừa kế. Nếu bạn không muốn trở thành cổ đông của công ty thì có 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Bạn không muốn nhận di sản thừa kế từ bố của bạn
Khoản 4 Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Trường hợp cổ phần của cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc từ chối nhận di sản như sau:
“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.
Theo quy định trên, việc từ chối của bạn phải chứng minh được việc từ chối này không phải nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác; việc từ chối phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, người giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Văn bản từ chối nhận di chúc có thể được công chứng tại cơ quan công chứng, Điều 59 Luật Công chứng năm 2014 quy định như sau: “Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết”.
Trường hợp 2: Bạn trở thành cổ đông và sau đó chuyển nhượng cổ phần
Trước hết, bạn trở thành cổ đông của công ty, thông báo đến những cổ đông khác trong công ty, vào Sổ cổ đông. Trường hợp bố của bạn là cổ đông sáng lập thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:
“Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”.
Theo đó, nếu đủ điều kiện trên về chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập thì phải làm thủ tục Thông báo thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định của pháp luật.
Sau khi bạn trở thành cổ đông của công ty, bạn có thể chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông khác hoặc cho người khác, cụ thể:
Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định như sau:
“Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”.
Như vậy, nếu bố bạn không phải cổ đông sáng lập thì bạn có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình. Trường hợp nếu bố bạn là cổ đông sáng lập, sau đó bạn làm thủ tục Thông báo thay đổi cổ đông sáng lập thì khi bạn muốn chuyển nhượng cổ phần cho người khác mà trong thời hạn 3 năm kể từ khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông nếu bạn chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập, nếu chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác thì không cần sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông; nếu ngoài thời hạn 3 năm kể từ thời điểm công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bạn có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, trừ trường hợp có những hạn chế về chuyển nhượng cổ phần quy định trong Điều lệ công ty.