Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty luật SBLAW trả lời báo thông tấn về vấn đề bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc của chủ xe cơ giới. Chủ đề chính của buổi phỏng vấn là " Có nên bỏ bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới không?". Mời quý khách theo dõi.
Câu hỏi 1. Luật sư có đánh giá như thế nào về việc chấp hành mua bảo hiểm xe máy, ô tô hiện nay của người dân khi tham gia giao thông? Theo luật sư, việc người dân chấp hành mua bảo hiểm xe máy, mô tô có những lợi ích gì ?
Trả lời:
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:
“Điều 8. Bảo hiểm bắt buộc
………………………………………………………………
- Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
- a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;”.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” và tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng”.
Trên thực tế, mặc dù giá mua bảo hiểm bắt buộc cho xe máy và mô tô không lớn nhưng đa phần người dân vẫn chưa nghiêm chỉnh chấp hành, một phần do người dân chủ quan, một phần bởi mức phạt với lỗi này chưa cao, đặc biệt là với xe máy. Bên cạnh đó, việc người dân chưa thực hiện nghiêm chỉnh vấn đề này cũng có thể xuất phát từ việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực, vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Nên việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường.
Nhìn chung, việc mua bảo hiểm xe máy, mô tô là một biện pháp quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế điều này việc mua bảo hiểm này không đem lại nhiều hiệu quả, do lượng xe máy quá nhiều, thủ tục lại phức tạp, gây tốn kém tiền bạc, thời gian của người dân. Chính vì vậy cần có những giải pháp để giảm bớt những khó khăn trong việc thực, hiện thủ tục bồi thường và nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ quy định mua bảo hiểm.
Về lợi ích
Trên thực tế trong nhiều trường hợp, chủ xe tử vong khi xảy ra tai nạn hoặc đang gặp khó khăn về tài chính; hay không đủ khả năng, năng lực tài chính để chi trả, bồi thường cho nạn nhân, điều này đã tạo ra gánh nặng và bất ổn cho cho chủ xe cũng như toàn xã hội. Như vậy, bảo hiểm cho xe máy, mô tô vừa là giải pháp về tài chính đồng thời cũng là công cụ chuyển giao rủi ro từ chủ xe cơ giới sang các doanh nghiệp bảo hiểm. Khi đó sẽ đảm bảo nguồn tài chính cho chủ xe để nhanh chóng bồi thường cho nạn nhân, kịp thời ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện an sinh xã hội
Câu hỏi 2. Theo luật sư, do thủ tục bồi thường khi mua bảo hiểm xe máy, mô tô quá nhiều công đoạn, rườm rà đang dẫn tới việc người dân mua bảo hiểm xe máy, mô tô chỉ để tránh xử phạt hay không? Việc người dân mua bảo hiểm chỉ để đảm bảo việc chấp hành có đang bị lợi dụng để các công ty bán bảo hiểm trục lợi hay không?
Trả lời:
Những bất cập của bảo hiểm bắt buộc với xe cơ giới đã được người dân ý kiến từ lâu. Hiện nay, các công ty bảo hiểm đang đưa ra quá nhiều thủ tục phức tạp, quy định khắt khe, thậm chí gây khó khăn đối với người tham gia mua bảo hiểm khi họ gặp phải sự cố. Vậy nên, khi gặp sự cố, người dân thường có xu hướng giải quyết khác ngoài việc chờ đợi công ty bảo hiểm. Điều này sẽ khiến người dân cảm thấy vô lý khi phải mua loại bảo hiểm bắt buộc này bởi lợi ích mà họ nhận được trên thực tế lại không được nhiều, thậm chí là không có. Từ đó sẽ dẫn đến tính trạng người dân mua bảo hiểm xe máy, mô tô chủ yếu chỉ để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường, hay có thể hiểu việc mua bảo hiểm này là để bảo đảm điều kiện tham gia giao thông chứ không mang nhiều ý nghĩa về bảo hiểm.
Việc người dân mua bảo hiểm chỉ để đảm bảo việc chấp hành có đang bị lợi dụng để các công ty bán bảo hiểm trục lợi hay không?
Trả lời:
Theo quy định bảo hiểm xe máy bắt buộc nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Khi xảy ra tai nạn, về nguyên tắc, bảo hiểm xe máy bắt buộc không bồi thường cho chủ xe mà thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị nạn do lỗi của chủ xe cơ giới đã mua bảo hiểm gây ra, từ đó hỗ trợ chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện thì mục đích trên chưa đạt được bởi lẽ các thủ tục bảo hiểm khá rườm rà gây khó khăn cho người tham gia bảo hiểm, mặt khác số tiền tham gia bảo hiểm này không lớn khiến người mua cũng có tâm lý tránh phiền phức và tự xử lý khi gặp phải vấn đề và không liên hệ công ty bảo hiểm. Từ đó việc mua bảo hiểm gần như chỉ để xuất trình cho các cơ quan chức năng kiểm tra tránh bị xử phạt chứ không mấy ai thực sự quan tâm và sử dụng khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh.
Nếu vẫn cứ tiếp tục duy trì việc mua bảo hiểm nhưng người mua không sử dụng được hoặc không sử dụng thì vô hình chung việc mua bảo hiểm đó chỉ mang lại lợi ích cho các công ty bảo hiểm. Do đó, cần cân bằng lợi ích giữa các bên, phát huy đúng vai trò của bảo hiểm khi có thiệt hại xảy ra.
Câu hỏi 3. Theo luật sư, nên có những giải pháp như thế nào để bảo hiểm xe máy, mô tô phát huy được tối đa hiệu quả và bảo vệ lợi ích người dân?
Trả lời:
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nói chung và bảo hiểm xe mô tô, xe máy nói riêng là loại hình bảo hiểm phổ biến và tồn tại lâu đời tại hầu hết các nước trên thế giới. Đây là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đã được triển khai hầu hết tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Khi có tai nạn xảy ra, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự sẽ bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới. Người bị tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả quyền lợi bồi thường cho những thiệt hại về người và tài sản do lỗi của chủ phương tiện gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm sẽ không phải tự mình đền bù thiệt hại. Tuy nhiên hiện nay có nhiều ý kiến phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Do đó, để bảo hiểm xe máy, mô tô phát huy được tối đa hiệu quả và bảo vệ lợi ích người dân thì giải pháp tối ưu và quan trọng nhất theo tôi vẫn là thủ tục bồi thường cần nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Cần đẩy mạnh hơn nữa những cải tiến trong thủ tục, hồ sơ bồi thường cũng như luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm là điều kiện tiên quyết để người dân tin tưởng tham gia bảo hiểm.
Để cân đối và duy trì quỹ bảo hiểm hướng đến phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, Bộ Tài chính cần cân nhắc tăng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với người và tài sản cũng như tiếp tục cải tiến hồ sơ, thủ tục bồi thường hơn nữa trong thời đại kỹ thuật số, trong đó cần chấp nhận việc các bên liên quan có thể cung cấp bằng chứng hiện trường qua camera ô tô, camera nhà dân, video của người đi đường... để có thể giải tỏa nhanh hiện trường, kịp thời đưa người bị nạn đi cấp cứu, giảm ùn tắc giao thông. Các công ty bảo hiểm cũng cần nâng cao nghiệp vụ thẩm định các bằng chứng kỹ thuật số để phòng, chống gian lận bảo hiểm.