Cơ hội và thách thức SHTT trong CPTPP

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trong Chương trình Kinh doanh và pháp luật về Cơ hội và thách thức SHTT trong CPTPP. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Thưa Luật sư, có thể nói, SHTT là một trong những vấn đề quan trọng trong CPTPP lần này. Vậy, theo đánh giá của Ông, điểm nổi bật, khác biệt cơ bản về các quy định về SHTT trong CPTPP so với TPP là gì? Ví dụ.

Trả lời:

Nhìn chung, CPTPP giữ nguyên các nội dung cốt lõi của TPP "cũ" với hy vọng chờ sự quay lại của Mỹ. Tuy nhiên, trong số 8.000 trang tài liệu của CPTPP được thông qua, có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc sửa đổi so với thỏa thuận TPP trước đây. Trong đó, các quy định về SHTT cũng có những thay đổi.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, TPP sẽ làm vô hiệu hóa một số luật và thông lệ của các nước thành viên trong việc bảo vệ các dược phẩm mới không bị cạnh tranh bởi các thuốc gốc (generic drug). Trong khuôn khổ của CPTPP, không có yêu cầu nào cho các nước thành viên thay đổi các luật và thông lệ đối với các dược phẩm mới gồm cả chế phẩm sinh học. Các nước thành viên cũng đồng ý đình chỉ nghĩa vụ gia hạn thời hạn bản quyền trong những trường hợp có những sự trì hoãn bất hợp lý trong việc cấp bản quyền cũng như cấp phép nhập khẩu một loại thuốc nào đó vào các nước thành viên.

Ngoài ra, một số quy định về sở hữu trí tuệ có trong TPP cũng bị đình chỉ trong CPTPP. Chẳng hạn, các nước thành viên không còn phải gia hạn thời gian bảo hộ bản quyền lên 70 năm (từ 50 năm), và điều này giúp làm giảm chi phí hữu hình cho các nước thành viên của CPTPP so với TPP. Có tổng cộng 11 quy định về sở hữu trí tuệ của TPP đã bị đình chỉ trong CPTPP.

2. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, những quy định về SHTT trong CPTPP lần này là một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt khi Việt Nam là một nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 11 quốc gia tham gia CPTPP cũng như tình trạng xâm phạm SHTT khá phổ biến. Ông có bình luận gì?

Trả lời:

CPTPP mang lại nhiều cơ hội song thách thức cũng không ít. CPTPP đã tạm hoãn một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP. Đặc biệt trong một số khía cạnh về sở hữu trí tuệ, điều này chắc chắn sẽ giúp Việt Nam và các nước có thêm thời gian điều chỉnh và thích ứng ở các lĩnh vực liên quan.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ, mặc dù vấn đề bảo hộ quyền SHTT đã được Chính phủ triển khai từ rất lâu. Thời gian qua, nước ta đã có nhiều văn bản, quy phạm pháp luật được ban hành nhằm hiện thực hóa việc xác lập quyền SHTT nhưng trên thực tế việc thực thi quyền này ở nước ta còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền SHTT còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn nhiều vấn đề nên dẫn đến tình trạng vi phạm, xâm phạm quyền SHTT diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn như hàng giả, hàng nhái, hàng sao, hàng lậu, … đang được bày bán công khai ở mọi nơi.

3. Vậy, theo Luật sư, Việt Nam đã, đang và cần có điều chỉnh gì về chính sách pháp luật SHTT để phù hợp với các quy định mới về SHTT trong CPTPP? (Trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm SHTT trong BLHS 2015; rà soát, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ....) Ông có đề xuất, kiến nghị gì trong lần sửa đổi Luật SHTT lần này?

Trả lời:

Theo tôi, khi tham gia CPTPP, việc đầu tiên là Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung Luật SHTT cho phù hợp; Luật SHTT cần được nghiên cứu điều chỉnh nhằm phù hợp tình trạng bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam và phù hợp với xu thế bảo hộ quyền này của quốc tế đồng thời coi đây là áp lực để thực hiện tốt hơn pháp luật về bảo vệ quyền SHTT, nhất là hàng nhái, hàng giả, …ở trong nước.

Thứ hai, việc áp dụng chế tài liên quan đến SHTT tại Việt Nam chưa thực sự minh bạch và chưa đủ răn đe cho nên cần có quy định cụ thể hơn, tăng trách nhiệm đối với hành vi vi phạm; áp dụng các chế tài phù hợp để răn đe hành vi vi phạm, đặt biệt là quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017.

Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường vai trò quản lý và điều hành của Nhà nước, sửa đổi cơ chế, chính sách và tăng cường công tác tuyên truyền, chúng ta cần mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia xây dựng lực lượng quản lý chuyên trách phòng chống hành vi vi phạm đặt trụ sở tại một số quốc gia trong khu vực nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về xâm phạm SHTT.

4. Và theo Luật sư, đâu là khuyến nghị và sự chuẩn bị cần có của các DN trong việc bảo vệ tốt hơn quyền SHTT của mình trong sân chơi quốc tế?

Trả lời:

Đối với các doanh nghiệp trong nước, cần chú trọng đăng ký SHTT nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp cần làm tốt hơn chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ trong toàn khối CPTPP.

Đồng thời, cần có có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn hành vi vi phạm SHTT một cách kịp thời, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Luật sư!

Mời các bạn xem thêm nội dung trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trong chương trình truyền hình về sở hữu trí tuệ trong TPP.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan