Có dấu hiệu lừa đảo học viên?

Nội dung bài viết

Tác giả Ngọc Bảo trong bài viết “ Có dấu hiệu lừa đảo học viên? ”, được đăng trên An ninh thủ đô ngày 9/3/2012 có ý kiến đóng góp của Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành Công ty luật SB (SB Law).

ANTĐ – Sau khi Báo ANTĐ đăng bài: “Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles: Không phép vẫn đào tạo”, phản ánh việc tuyển sinh trái pháp luật của cơ sở này trong suốt 6 năm qua, đường dây nóng Báo ANTĐ tiếp tục nhận được phản ánh của cựu sinh viên Raffles Hà Nội bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ tấm bằng của họ bỗng thành vô giá trị…

Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles: Không phép vẫn đào tạo

Bằng tốt nghiệp trở thành giấy lộn

Từ khi nghe tin Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội đào tạo trái phép, anh D.H như ngồi trên đống lửa. “Ra trường từ năm 2009, phải vất vả lắm tôi mới tìm được công việc ổn định tại một khách sạn ở Hà Nội. Tuy vậy, từ hôm qua, người phụ trách đã truyền đạt lại ý kiến của Giám đốc cho phép tôi nghỉ việc để mang bằng tốt nghiệp đi giám định. Trong thời gian 2 tháng nếu tấm bằng của tôi không được cơ quan chức năng tại Việt Nam chấp thuận tôi sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Ở thời điểm hiện tại, để tìm được một công việc tốt không đơn giản. Ba năm học với bao mồ hôi công sức và tiền bạc, giờ tôi có nguy cơ tay trắng. Chỉ với tấm bằng tốt nghiệp lớp 12, những ngày tới đây tôi không biết mình sẽ phải xoay xở ra sao” ? – anh H thở dài.

Cùng chung tâm trạng với anh H, chị N.N.T – người có con gái theo học và tốt nghiệp tại Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội lo lắng: “Mấy ngày nay mẹ con tôi phải cầm tấm bằng Cử nhân thương mại được cấp bởi Raffles chạy đôn chạy đáo khắp nơi, thậm chí lên cả Bộ GD&ĐT đề nghị giám định song cũng không kết quả. Con gái tôi đang làm việc tại một công ty nước ngoài. Nơi làm việc này tuy không đặt nặng vấn đề bằng cấp song với những thông tin đăng tải trên báo chí về trường Raffles những ngày qua thì cơ hội thăng tiến trong công việc của con tôi hầu như không còn. Khổ nhất là những cháu đã xin được việc trong một vài cơ quan nhà nước. Do tấm bằng không còn giá trị nên các cháu đang trong tình trạng phấp phỏng chờ…bị đuổi việc. Chính vì vậy, một số phụ huynh và học sinh đã liên tục đến gặp đại diện Raffles để đòi được trả lại học phí nhưng không được chấp thuận”…

Trước những yêu cầu trên, đại diện Raffles khẳng định, ngay trong bản Đăng ký nhập học của mỗi sinh viên tại điều khoản thứ 8 đã nêu rõ: “Các văn bằng sẽ được cấp cho học viên sau khi hoàn thành các cấp độ tiêu chuẩn (chứng chỉ 1, chứng chỉ 2, chứng chỉ 3). Sinh viên hoàn thành cấp độ 1 và 2 có thể hoàn thành hồ sơ để được cấp văn bằng “Cao đẳng nâng cao” bởi trường Raffles College of Higher Education Singapore (RCHE). Sinh viên hoàn thành cấp độ 3 có thể hoàn thành hồ sơ để được cấp văn bằng “Cử nhân đại học” bởi trường Raffles College of Design & Commerce (RCDC) Australia.” Khi ký vào bản đăng ký này các sinh viên đã đọc và chấp nhận những điều khoản và điều kiện nhập học. Raffles đã đáp ứng đúng hợp đồng là cấp bằng của những cơ sở đào tạo quốc tế trên nên không chịu trách nhiệm trả lại học phí cho sinh viên đã tốt nghiệp. Như thế có nghĩa là những sinh viên đã tốt nghiệp tại Raffles Việt Nam không nhận được bất kỳ sự bồi thường nào từ phía Raffles do chứng chỉ đào tạo hệ cao đẳng, đại học không được công nhận tại Việt Nam.

Được biết, hiện Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Việt Nam đã bị Bộ GD&ĐT cấm hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, kể cả những ngành đào tạo chứng chỉ dạy nghề ngắn hạn. Ngày 17-3, Bộ GD&ĐT đã giao Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng xem xét, không công nhận các văn bằng của Raffles College of Higher Education Singapore và Raffles College of Design & Commerce, Úc đã cấp cho học viên theo các chương trình do Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội tổ chức trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Học viên có thể khởi kiện

Trước sự việc hàng trăm sinh viên đã tốt nghiệp tại Công ty TNHH dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam đang sở hữu những chứng chỉ quốc tế vô giá trị cùng những sinh viên đang phải ngừng học tập do cơ sở này bị dừng hoạt động, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – giám đốc Công ty TNHH Luật S&B cho biết: “Công ty TNHH dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam đã vi phạm pháp luật Việt Nam khi thực hiện việc tuyển sinh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trên lãnh thổ Việt Nam mà chưa được Bộ GD&ĐT Việt Nam cấp phép. Việc một cơ sở đào tạo, giáo dục nước ngoài hoạt động có quy mô lớn tại Việt Nam trong suốt 6 năm qua không có giấy phép cần phải được các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ.

Hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị này đã khiến hàng trăm sinh viên đã tốt nghiệp hoặc sắp hoàn thành chương trình học có nguy cơ trắng tay sau nhiều năm đèn sách. Việc đại diện Raffles trả lời sinh viên đã tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ đào tạo sẽ không được bồi thường dựa trên điều khoản đã ghi trong bản đăng ký nhập học của sinh viên đã ký với nhà trường là hoàn toàn phi lý. Raffles Việt Nam không thể chối bỏ trách nhiệm của mình bằng điều khoản này bởi, đây là hợp đồng dân sự được ký giữa bên cung cấp dịch vụ và bên nhận dịch vụ. Cụ thể là Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội nói riêng và Công ty TNHH dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam nói chung với học viên. Hơn nữa, dịch vụ giáo dục là loại dịch vụ cao cấp, được bên cung cấp thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, Raffles Việt Nam phải đảm bảo sản phẩm mà họ cung cấp cho học viên phải được cấp phép, tuân thủ đúng luật pháp Việt Nam trước khi cung cấp cho học viên. Đây là hành vi không trung thực, có dấu hiệu lừa đảo”.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, những sinh viên đã tốt nghiệp hệ cao đẳng, đại học tại Raffles Việt Nam và được cấp bằng tốt nghiệp nhưng không có hiệu lực và không được pháp luật Việt Nam thừa nhận có thể khởi kiện ra toà để đòi bồi thường toàn bộ chi phí mà họ đã đóng cho nhà trường trong suốt quá trình học tập trước đó.

(sblaw.vn theo anninhthudo)

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan