Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư mới có hiệu lực từ ngày 26/03/2021 đã phần nào tháo gỡ được các vướng mắc, khó khăn cho các dự án PPP hiện tại.

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.

Mục đích của phương thức này là thu hút khu vực tư nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công tốt hơn cho người dân khi nguồn vốn của Nhà nước không đủ đáp ứng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nếu Nhà nước kiểm soát quá chặt, không đảm bảo cán cân bình đẳng cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng có sự e ngại nhất định khi muốn thực hiện dự án.

Khoản 3 Điều 8 Nghị định 28/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc kiểm soát thanh toán dành cho đầu tư trong dự án PPP. Trong đó, đối với xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng thì “chỉ được thanh toán cho khối lượng hạng mục hoàn thành đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP xác nhận và theo tỷ lệ các nguồn vốn, giá trị, tiến độ, điều kiện được quy định tại hợp đồng dự án PPP, phù hợp với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Như vậy, theo quy định này nhà đầu tư sẽ phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước, vốn hỗ trợ của Nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình đó đã hoàn thành.

Do đó, quy định này dẫn đến điểm hạn chế là có thể sẽ khiến nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng vì ngân hàng sẽ sợ rủi ro từ việc chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng.

Vì vậy, tôi cho rằng trong một giới hạn nhất định, chúng ta cũng nên xem xét nới quy định này.

2. Tại khoản 2, Nghị định 28/2021 nêu: “Vốn Nhà nước trong dự án PPP được thanh toán khi cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn, giao dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật”. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, quy định tại điều khoản này chưa nêu rõ cách thức xử lý trong trường hợp Nhà nước chậm giao kế hoạch vốn làm chậm tiến độ giải ngân theo quy định tại hợp đồng dự án PPP?

Tôi hiểu rằng, trong trường hợp này, doanh nghiệp lo ngại mình sẽ rơi vào thế bị động trong việc kiểm soát nguồn tiền của mình khi không biết được chính xác lúc nào thì cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn, giao dự toán ngân sách.

Do đó, trong trường hợp này, cần có quy định rằng nhà đầu tư có thể tính toán bổ sung chi phí phát sinh hoặc điều chỉnh thời gian xây dựng trong trường hợp nguồn ngân sách nhà nước bố trí chậm so với kế hoạch làm ảnh hưởng đến chi phí và thời gian thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện dự án PPP cũng phải chủ động liên lạc, trao đổi với cơ quan có thẩm quyền để nắm bắt được tình hình và có những phương án dự phòng cho mình.

3. Cùng với đó, Nghị định 28 không có cơ chế xử lý trong trường hợp Nhà nước chậm giải ngân phần vốn hỗ trợ của Nhà nước và điều này dường như đang đẩy thế khó sang cho nhà đầu tư, thưa ông?

Tôi muốn nhấn mạnh lại một điều rằng, linh hồn của Luật về PPP chính là hợp đồng PPP. Do đó, trong trường hợp này, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đàm phán thời hạn giải ngân vốn hỗ trợ của Nhà nước ở thời điểm thích hợp với quá trình thực hiện dự án.

Hiện nay, lại chưa có quy định nêu rõ cách thức xử lý trong trường hợp Nhà nước chậm giao kế hoạch vốn làm chậm tiến độ giải ngân theo quy định tại hợp đồng dự án PPP.

Do đó, cần sớm bổ sung quy định và hướng dẫn trường hợp phần vốn Nhà nước chậm giải ngân thì sẽ xử lý thế nào? Và nhà đầu tư có được huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án và được tính lãi vay hay không?

(Link bài viết: https://enternews.vn/co-che-quan-ly-tai-chinh-day-the-kho-cho-nha-dau-tu-196728.html)