Cơ chế hỗ trợ cho các Start up trên thế giới và tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - chủ tịch công ty luật SBLAW đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí tài chính về cơ chế hỗ trợ cho các start up trên thế giới và Việt Nam.

1. Vậy chúng ta có cần một cơ chế riêng để hỗ trợ các startup không, thưa ông?

Trả lời:

Để thúc đẩy khởi nghiệp, việc huy động vốn cho các startup là vô cùng quan trọng. Để giải quyết yêu cầu này, bên cạnh tạo ra hành lang pháp lý về đầu tư tài chính cho khởi nghiệp, bảo lãnh vốn tín dụng cho các startup, lập Quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Chính phủ thì cần cân nhắc xây dựng sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các startup.

Thiết nghĩ, có những cơ chế riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào TTCK là một điều cần thiết để kích thích phát triển kinh tế. Vì, các startup đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang “chạy đua” trong cuộc cách mạng 4.0.

Kinh nghiệm từ các quốc gia có nền khởi nghiệp phát triển cho thấy, một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt cần hội tụ đủ các yếu tố chủ yếu: Khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho khởi nghiệp; tính năng động, sáng tạo của startup; sự tham gia tích cực của các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư... và các cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ startup... Việt Nam đang trong giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp như vậy. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với các startup là việc huy động vốn, đặc biệt là cho giai đoạn ươm mầm và tăng tốc. Do đó, vấn đề quan trọng nhất của việc xây dựng cơ chế riêng cho startup sẽ là bài toán về nguồn vốn.

Ngoài việc xây dựng sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các startup, Chính phủ cần có các cơ chế bảo lãnh vốn tín dụng cho các startup, đồng thời tạo môi trường phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, lập Quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Chính phủ. Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của nhà nước cần xây dựng quy định chi tiết cho vấn đề này.

Cơ chế hỗ trợ cho các Start up
Cơ chế hỗ trợ cho các Start up

2. Cụ thể, bây giờ đề xuất xây sàn giao dịch riêng cho startup sẽ có những đặc điểm và tính chất như thế nào?

Trả lời:

Ngoài những đặc điểm của sàn giao dịch chứng khoán nói chung thì sàn giao dịch riêng cho startup vốn ra đời cần phải có thêm một số đặc điểm riêng biệt như: phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời đa dạng sản phẩm giao dịch. Từ đó giúp giám sát để hạn chế các giao dịch không lành mạnh và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư. Vì các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thường chưa tạo được uy tín, nên với những cơ chế trên sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch của giao dịch từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư hơn cũng như tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).

Cùng với đó, điều kiện niêm yết, năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp không quá chặt chẽ. Cơ quan quản lý cần thiết kế riêng khuôn khổ pháp lý, khác với đạo luật trên thị trường chính, để áp dụng với các cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán riêng này. Theo đó, doanh nghiệp niêm yết trên sàn này không cần phải đáp ứng tiêu chuẩn kế toán quốc tế, doanh nghiệp không phải công bố báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính bán niên năm mà cơ quan quản lý cần có các biện pháp khác để chú trọng đến việc giám sát để hạn chế các giao dịch không lành mạnh và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.

Sàn giao dịch riêng cho startup sẽ được vận hành bởi khuôn khổ luật riêng, có những hỗ trợ về thủ tục pháp lý và thuế với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có thể phát triển, tiếp cận vốn một cách thuận lợi nhất và cạnh tranh được với những doanh nghiệp khác.

3. Trên thế giới, mô hình này được thực hiện như thế nào? Việt Nam có thể học hỏi gì từ họ, thưa ông?

Trả lời:

Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ kênh truyền thống như ngân hàng. Nguồn vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp thường đến từ vốn tự có. Nên hiên nay một số quốc gia trên thế giới đã tháo gỡ khó khăn này bằng cách phát triển mô hình thị trường vốn, đặc biệt có một số quốc gia đã mở ra sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp như vậy và các Startup cũng gặp rất nhiều khó khăn tương tự trong việc huy động vốn. Vì vậy để phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới từ đó áp dụng để phát triển thị trường trong nước.

Tại Hàn Quốc

Sàn chứng khoán dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp (KONEX) đã rất thành công, tạo cơ chế thoái vốn dễ dàng hơn cho nhà đầu tư. Sàn KONEX về bản chất cũng giống sàn giao dịch chứng khoán cho các công ty đại chúng, nhưng dành cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, điều kiện niêm yết, năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý không quá chặt chẽ. Cơ quan quản lý thiết kế riêng khuôn khổ pháp lý, khác với đạo luật trên thị trường chính, để áp dụng với các cổ phiếu giao dịch trên KONEX. Theo đó, doanh nghiệp niêm yết trên sàn này không cần phải đáp ứng tiêu chuẩn kế toán quốc tế, doanh nghiệp không phải công bố báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính bán niên năm. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là cơ quan quản lý thả nổi cho thị trường hoạt động, cơ quan quản lý rất chú trọng đến việc giám sát để hạn chế các giao dịch không lành mạnh và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.

Tại Mỹ

Các quỹ đầu tư của Chính phủ Mỹ không thực hiện đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mà hợp tác, đầu tư cùng với các quỹ tư nhân, theo tỷ lệ phụ thuộc vào mức độ rủi ro của doanh nghiệp khởi nghiệp. Cách thức này cho phép Nhà nước tác động được vào tiến trình khởi nghiệp trong toàn nền kinh tế trong khi nguồn vốn tư nhân chưa đủ, đồng thời cũng giảm bớt được rủi ro cho nguồn vốn của Nhà nước.

Tại Singapore

Chính phủ và các tổ chức liên quan coi phát triển doanh nghiệp (startup) là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hoạt động. Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều sáng kiến để giúp họ tiếp cận vốn như là: Ðổi vốn lấy cổ phần Các nhà đầu tư có thể cho doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn để đổi lấy cổ phần trong công ty mới thành lập. Chính phủ tài trợ tiền cho startup những doanh nghiệp khởi nghiệp (stratup) có thể tiếp cận các khoản tài trợ được cơ quan chính phủ giải ngân để hỗ trợ startup. Mỗi khoản tiền tài trợ như vậy đều đi kèm với những điều kiện và điều khoản.

4. Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

  • Từ kinh nghiệm của một số nước cho thấy, Việt Nam cần xem xét xây dựng thị trường giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo cơ chế thoái vốn dễ dàng hơn cho nhà đầu tư. Cơ quan quản lý nên thiết kế riêng khuôn khổ pháp lý áp dụng với các cổ phiếu giao dịch trên sàn giao dịch này. Để làm được điều này phải nghiên cứu một cách tổng thể; trong đó, cần sửa luật về thuế, các luật khác cũng cần điều chỉnh để tương thích với sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp vì đa số các doanh nghiệp này là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về lĩnh vực kinh tế - tài chính.
  • Hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ. Việt Nam nên có những quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ để hỗ trợ và tài trợ cho startup. Để quỹ đầu tư này hoạt động hiệu quả thì Chính phủ cần phải xây dựng thể chế rõ ràng, minh bạch.
  • Cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp được huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu chuyển đổi. Dạng vốn này rất lý tưởng đối với những startup cần thêm vốn, đặc biệt trong giai đoạn phát triển ban đầu, giai đoạn khó khăn trong việc huy động nguồn vốn từ tổ chức tín dụng.
  • Áp dụng các chính sách hỗ trợ về pháp lý, thủ tục hành chính và thuế cho hoạt động liên quan đến khởi nghiệp. Các điều kiện, chính sách của Nhà nước cần được cải cách theo hướng giảm bớt các rào cản, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhằm khuyến khích sự đổi mới hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp starup.
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan