CHUYỂN NHƯỢNG HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM – LƯU Ý NÀO CHO CÁC BÊN?

Nội dung bài viết

Luật sư Đỗ Xuân Thu - Trưởng phòng Tranh tụng Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về vấn đề "Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm - Lưu ý nào cho các bên?" theo tình huống vụ việc được đưa ra tại trường quay trên chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” phát sóng trên VTV2. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm mới nhất
Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm

Câu hỏi: Theo lập luận của ông K, Ông K đã gọi điện thông báo về sự thay đổi chủ sở hữu cho công ty bảo hiểm, sau đó, công ty bảo hiểm đã nhắn tin vào điện thoại của ông K về việc hợp đồng bảo hiểm sắp hết hạn và tái tục hợp đồng. Như vậy, Công ty chấp nhận việc đổi chủ của hợp đồng bảo hiểm và đã cập nhật thông tin của ông K vào hệ thống của Công ty. Hợp đồng bảo hiểm vẫn tiếp tục được duy trì hiệu lực. Liệu đây có được coi là việc tiếp nhận và xác nhận thông tin từ phía Công ty bảo hiểm không, theo Luật sư Đỗ Xuân Thu?

Trả lời:

Việc chuyển nhượng, mua bán lại xe ô tô là việc diễn ra hằng ngày tuy nhiên, vẫn có nhiều người thắc mắc về việc hợp đồng bảo hiểm có còn hiệu lực khi chuyển giao chủ sở hữu xe.

Trong tình huống nêu trên, việc công ty bảo hiểm nhắn tin thông báo việc hợp đồng bảo hiểm sắp hết hạn và tái tiếp tục hợp đồng và cập nhật thông tin trên hệ thống công ty không được coi là việc chấp thuận thay đổi bên được hưởng bảo hiểm.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 26 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000: “Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận về việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế.”

Có thể thấy rằng, luật quy định rất rõ ràng đối tượng thông báo là bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm và hình thức thông báo là bằng văn bản. Do đó, trong giao dịch mua bán lại xe ô tô, người chủ cũ cần gửi văn bản đến công ty bảo hiểm để thực hiện thay đổi chủ thể tham gia quan hệ bảo hiểm.

Thêm vào đó, Quy tắc bảo hiểm của công ty L: “Khi chủ sở hữu của xe thay đổi, người được bảo hiểm sẽ không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm này. Người được bảo hiểm có quyền: Đề nghị chuyển nhượng Hợp đồng bảo hiểm này cho chủ sở hữu mới của xe bằng cách gửi cho Công ty bảo hiểm một yêu cầu bằng văn bản, đã được kí hợp lệ, không muộn hơn 15 ngày kể từ ngày chuyển nhượng quyền sở hữu xe…”

Trong bản án trên, ông K không phải chủ thể có quyền thay đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm vì giữa ông K và công ty bảo hiểm không có bất kì giao kết hợp đồng bảo hiểm nào.

Trong thời hạn bảo hiểm giữa ông T1 và công ty bảo hiểm (từ ngày 30/9/2017 – 29/9/2018), ngày 05/3/2018, ông T1 và ông K ký hợp đồng mua bán xe hợp pháp. Sau đó, ông T1 không có bất kì văn bản thông báo nào gửi đến công ty bảo hiểm để chuyển người được hưởng bảo hiểm, do đó, hợp đồng bảo hiểm giữa ông T1 và công ty bảo hiểm đã chấm dứt khi hợp đồng mua bán xe có hiệu lực theo điểm (ii) điều 8 Quy tắc bảo hiểm tự nguyện của công ty bảo hiểm L.

Câu hỏi: Vậy, qua tình huống này, các bên có thể rút ra được kinh nghiệm gì liên quan đến việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm khi chuyển giao tài sản, theo Luật sư Đỗ Xuân Thu?

Trả lời:

Dựa vào tình huống trên, trong các giao dịch chuyển giao tài sản thì người mua cần chú ý đến việc thay đổi chủ thể hưởng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của mình khi có tai nạn xảy ra:

- Nếu một trong hai bên trong giao dịch mua bán tài sản không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm thì cũng cần thông báo cho công ty bảo hiểm để thực hiện chấm dứt hợp đồng, nhận hoàn lại phí bảo hiểm trong thời hạn còn lại của hợp đồng theo các điều kiện của quy tắc bảo hiểm đồng thời tránh hiện tượng bảo hiểm trùng khi chủ tài sản mới giao kết hợp đồng bảo hiểm với một đơn vị khác.

- Trường hợp nếu chủ tài sản mới vẫn muốn tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm với đơn vị bảo hiểm trước đó thì cần kiểm tra xem chủ tài sản cũ đang dùng dịch vụ bảo hiểm của đơn vị nào và đọc kĩ hợp đồng, quy tắc bảo hiểm đính kèm của đơn vị đó để yêu cầu chủ tài sản cũ làm văn bản thông báo chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm sang tên mình để tránh bảo hiểm tự động bị vô hiệu do quá hạn.

Chiến lược đàm phán và đặt cọc-[Khóa học: Đỉnh Cao Kiếm Tiền Từ Bất Động Sản Thuê Và Cho Thuê] - Phần 11
Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm - Lưu ý cho các bên

Câu hỏi: Thưa Luật sư Thu, theo tình huống vụ việc, việc chuyển giao nhà máy gỗ C cho công ty gỗ G đã hoàn tất theo Biên bản họp ĐHĐCĐ. Trong biên bản này cũng đã thể hiện chủ sở hữu cũ đã báo cho Công ty bảo hiểm về việc đã bàn giao tài sản bảo hiểm cho chủ mới. Tuy nhiên, sau đó vẫn phát sinh tranh chấp về việc trách nhiệm đóng phí bảo hiểm. Vậy, theo quy định pháp luật, trách nhiệm đóng phí bảo hiểm khi chuyển giao tài sản thuộc về ai, theo? (BLDS 2005, BLDS 2015?)

Trả lời:

Về vấn đề này:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 579 BLDS 2005: “Trong trường hợp quyền sở hữu đối với tài sản bảo hiểm được chuyển cho người khác thì chủ sở hữu mới đương nhiên thay thế chủ sở hữu cũ trong hợp đồng bảo hiểm, kể từ thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản. Chủ sở hữu cũ là bên mua bảo hiểm phải báo cho chủ sở hữu mới biết về việc tài sản đã được bảo hiểm, báo kịp thời cho bên bảo hiểm về việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản.”

Bộ luật Dân sự 2005 quy định rõ về việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản bảo hiểm và trách nhiệm các bên có liên quan đối với hợp đồng bảo hiểm đó, kể từ thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản thì chủ sở hữu mới đương nhiên thay thế chủ sở hữu cũ trong hợp đồng bảo hiểm

- Đến BLDS 2015, quy định trên không còn được quy định, trong khi đó không có văn bản nào hiện nay có quy định tương tự nên sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật, chúng ta không có cơ sở văn bản để giải quyết hệ quả của chuyển quyền sở hữu tài sản.

Câu hỏi: Trên thực tế, nếu không có sự chuyển giao về chủ sở hữu thì đương nhiên, công ty C phải chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng bảo hiểm. Vậy, lý do tại sao các bên lại đùn đẩy nghĩa vụ, không chịu thanh toán phí bảo hiểm, thưa Ông?

Trả lời:

Lý do mà các bên đùn đẩy nghĩa vụ, không chịu thanh toán phí bảo hiểm là do việc này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các bên, giá trị hợp đồng bảo hiểm lớn các bên dường như né tránh trách nhiệm của mình, các bên tự cho rằng trách nhiệm thuộc về bên còn lại chứ không thuộc về mình.

- Đối với công ty C cho rằng Công ty đã bàn giao nhà máy gỗ MDF Cosevco cho Công ty G quản lý và điều hành sản xuất. Do đó, Công ty cổ phần Geruco là pháp nhân thừa kế quyền lợi và nghĩa vụ của nhà máy thì phải có trách nhiệm thanh toán phí bảo hiểm.

- Đối với công ty G cho rằng Công ty được thành lập trên cơ sở các cổ đông góp vốn, không phải được tách, sáp nhập, cổ phần hóa nên không có trách nhiệm thừa kế nghĩa vụ của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, lập luận đó của Công ty G không có cơ sở. Trước khi cổ phần hóa Công ty C thành Công ty cổ phần xây dựng 78 thì nhà máy gỗ C là đơn vị trực thuộc Công ty C. Ngày 24/11/2005, Công ty C đã tiến hành bàn giao nhà máy gỗ C cho Công ty G. Vì không phải là pháp nhân được thành lập do tách từ Công ty cổ phần xây dựng 78 và cũng không phải được thành lập do việc cổ phần hóa nhà máy gỗ MDF nên Công ty cổ phần Geruco không có nghĩa vụ kế thừa đối với những khoản nợ hoặc nghĩa vụ dân sự khác của các cổ đông sáng lập.

Căn cứ theo quy định của BLDS 2005 nêu trên thì sự việc sẽ dễ dàng giải quyết. Bởi lẽ đã có việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản là nhà máy gỗ C từ chủ sở hữu là công ty C sang công ty G. Chủ sở hữu cũ (công ty C) cũng báo cho chủ sở hữu mới (công ty G) biết về tài sản là nhà máy gỗ C đã được bảo hiểm. Rõ ràng có thể khẳng định công ty G đương nhiên kế thừa, thay thế công ty C trong hợp đồng bảo hiểm kể từ ngày chuyển quyền sở hữu tài sản (24/11/2005).

Câu hỏi: Vậy, để tránh những rủi ro và tranh chấp không đáng có như hai vị vừa chia sẻ, các bên cần lưu ý gì chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm khi có sự chuyển giao quyền sở hữu tài sản – đối tượng được bảo hiểm, thưa Luật sư Thu?

Trả lời:

Do yêu cầu tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh, sắp xếp lại các bộ phận, loại bỏ các mảng hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp, hoạt động chuyển nhượng tài sản cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng tài sản liên quan đến hợp đồng bảo hiểm đã xảy ra nhiều tranh chấp, đến từ cả hai phía, phía khách hàng đòi bồi thường và phía bên bảo hiểm đòi nợ phí.

Theo đó, khi chuyển giao quyền sở hữu tài sản, ngoài việc chú trọng đến việc chuyển giao sở hữu tài sản, các bên cũng cần lưu ý đến việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm, cụ thể, quy định rõ ràng căn cứ pháp lý, mốc thời gian, chi tiết về quyền, nghĩa vụ các bên kể từ thời điểm chuyển nhượng. Đồng thời, các bên cần xác nhận rõ về việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm với bên bảo hiểm để tránh những tranh chấp xảy ra trong tương lai.

Bởi khi có tổn thất xảy ra, bên bảo hiểm sẽ kiểm tra các giấy tờ này, nếu không hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng, bên bảo hiểm có thể từ chối bồi thường, bởi bên bảo hiểm chỉ có nghĩa vụ đối với chủ sở hữu của tài sản. Khi đó, bên mua tài sản phải có được giấy ủy quyền của chủ cũ thì bên bảo hiểm mới giải quyết bồi thường.

Đối với bên chuyển giao tài sản, nếu không muốn bán tài sản kèm theo cả giá trị hợp đồng bảo hiểm, chủ tài sản có thể yêu cầu bên bảo hiểm thỏa thuận hủy hợp đồng, khi đó chủ tài sản sẽ được bên bảo hiểm hoàn lại số phí tương đương với thời gian còn lại của hợp đồng.

Trên đây là nội dung Luật sư Đỗ Xuân Thu trả lời phỏng vấn chương trình Kinh doanh và Pháp luật trên VTV2. 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan