Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, các trang báo rầm rộ thông tin chuyện nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, đầu tư tiền ảo, cho đến những ồn ào liên quan đến “ém” tiền từ thiện… Những thông tin này đã khiến khán giả quay lưng, thậm chí là tẩy chay họ. Họ đang dần đánh mất đi tên tuổi của mình. Luật sư Nguyễn Tiến Hoà sẽ giải đáp câu chuyện này dưới góc độ pháp lý để gửi tới bạn đọc. SB Law trân trọng gửi tới độc giả toàn văn bài báo như sau:
Hàng loạt nghệ sĩ “ra tay” quảng cáo sản phẩm, “chinh phục” khán giả
Trong thời gian gần đây, việc sao Việt kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành gương mặt đại diện hay PR cho một dòng sản phẩm đã không còn xa lạ với người hâm mộ. Tuy nhiên, đây cũng chính là "con dao hai lưỡi" khiến sao Việt rơi vào tình trạng khó xử khi nhãn hàng bị "tố" kém chất lượng.
Nếu quảng cáo bằng hình ảnh thì nhận từ 10-30 triệu đồng, còn livestream trực tiếp thì thù lao cao hơn. Sao lớn có nhiều người hâm mộ và theo dõi trang cá nhân, có thể nhận 100-120 triệu đồng/lần livestream.
Trong chương trình Phóng sự của VTV đăng tải lại clip nữ nghệ sĩ (đã được làm mờ mặt) tự quay trên ô tô. Người này nhắc đến tên mình là Vân Dung, nữ danh hài đất Bắc.
Để tăng độ tin tưởng với người xem, Vân Dung còn chìa tờ giấy được cho là giấy khám sức khỏe, trong đó có ghi rõ cô có một khối u kích cỡ 0,1 x 0,3 mm trong tử cung. Thế nhưng sau khi dùng một loại sản phẩm có tác dụng “tiêu tan u xơ, u nang” thì khối u này đã tiêu tan toàn bộ.
Trước đó, ca sĩ Đan Trường, nghệ sĩ Quyền Linh, NSƯT Chí Trung, Hồng Vân... quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng...
Bên cạnh đó, nhiều người đẹp, hoa hậu như Tú Anh, Kỳ Duyên, Jennifer Phạm, Bảo Thanh, Lã Thanh Huyền, Ốc Thanh Vân, Vân Hugo, Ngọc Trinh,... làm đại sứ thương hiệu cho doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm.
Thế nhưng thực tế, chất lượng của các sản phẩm có “thần kỳ” như những gì nhà sản xuất công bố và các nghệ sĩ miêu tả thì có trời mới biết. Điều đáng nói, những nghệ sĩ trên đều là những gương mặt gạo cội được nhiều khán giả yêu mến. Không ít người đã mua sản phẩm vì tin tưởng vào danh tiếng của các nghệ sĩ.
Đối với quảng cáo của Vân Dung, theo VTV 24, khi chương trình VTV24 tìm đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì đã được phía bệnh viện xác nhận rằng phom mẫu tờ bệnh án này không đúng và không có vị bác sĩ nào tên như trong tờ bệnh án mà Vân Dung đưa ra livestream giới thiệu sản phẩm. Mặc dù nữ nghệ sĩ chưa lên tiếng giải trình, nhưng qua vụ việc này khiến nữ danh hài phải hứng chịu không ít chỉ trích từ người hâm mộ.
Với quảng cáo của Sơn Tùng, cư dân mạng đã phát hiện ra loại mặt nạ dưỡng da mà Sơn Tùng khẳng định “đã dành gần 5 tháng để đích thân tìm hiểu, test (kiểm tra) và trải nghiệm dòng sản phẩm mặt nạ này trước khi ký hợp đồng trở thành đại sứ thương hiệu” tính đến thời điểm chàng ca sỹ quảng cáo mới hoạt động được... 3 tháng.
Việc chênh lệch thời gian này khiến cư dân mạng không khỏi khó hiểu. Ca sĩ Sơn Tùng bị cho là đưa thông tin không chính xác trong bài đăng giới thiệu sản phẩm.
“Bên thứ ba” cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ “dỏm” phải chịu trách nhiệm liên đới
Theo Ths. Luật sư Nguyễn Tiến Hoà (Giám đốc Công ty Luật TNHH SBLaw, TP.HCM, Trọng tài viên trọng tài thương mại, Trung tâm trọng tài Thương mại phía Nam), với thời đại công nghệ số hiện nay thì những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật ngày càng khẳng định được vai trò và sức ảnh hưởng của mình đối với công chúng.
Dựa vào thế mạnh đó hàng loạt các nhãn hàng, các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã ký hợp đồng quảng cáo với các nghệ sĩ để họ có thể trở thành các “đại sứ hình ảnh”, “đại sứ thương hiệu” cho nhiều sản phẩm, dịch vụ nhằm mục đích quảng bá rộng rãi đến công chúng các sản phẩm, dịch vụ này.
Tuy nhiên, hiện nay có một thực trạng đáng báo động, phần lớn các nhãn hàng, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ đã lợi dụng sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ để quảng cáo, thổi phồng, đưa ra những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng chất lượng đối với hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng của mình và gây ra nhiều hậu quả tiềm tàng hoặc các ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, hành vi của các nghệ sĩ khi quảng cáo sản phẩm trên trang Facebook là hàng kém chất lượng, hàng chưa được kiểm chứng, thổi phồng công dụng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng được xem là một trong những hành vi bị pháp luật cấm.
Ngoài ra, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn quy định nghệ sĩ, dưới vai trò là “bên thứ ba” trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng còn phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 9 Điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2018.
Theo đó, trong trường hợp có các hành vi vi phạm có thể sẽ phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý sau:
Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ;
Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.
Ngoài hình phạt chính, cá nhân vi phạm còn sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả dưới hình thức: Buộc tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo; Buộc cải chính thông tin đối với hành vi.
Ngoài ra, theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực vào ngày 01/6/2021, và được thay thế bằng Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt sẽ được tăng lên.
Hình phạt chính: Cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này:
- Khoản 4 Điều 51: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
- Điểm b khoản 4 Điều 52: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Hình phạt bổ sung:
- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi;
- Buộc cải chính thông tin đối với hành vi.
Thậm chí còn chịu Trách nhiệm hình sự:
Căn cứ quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi này có thể cấu thành tội quảng cáo gian dối:
Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa việc phổ biến quy định pháp luật cho giới nghệ sĩ và người nổi tiếng, người có ảnh hưởng với công chúng, người tiêu dùng trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là về hành vi quảng cáo sai sự thật trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội.
Đồng thời, để sớm ngăn chặn và hạn chế hành vi lạm dụng sự nổi tiếng của mình trong việc quảng cáo, tiếp tay cho việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng và những nhà sản xuất chân chính, các nhà làm luật nên cân nhắc tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cũng cần đưa ra các cảnh báo cần thiết do đây là những người có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng. Trước khi tham gia vào quảng cáo một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào đó, giới nghệ sỹ cần ý thức được uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, cần phải tìm hiểu kĩ nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình nhận quảng cáo, tránh tiếp tay cho những kẻ lừa đảo cũng như ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.