Hiện nay, cách mạng 4.0 đã trở thành mục tiêu, định hướng phát triển và hội nhập của Việt Nam trong dòng chảy chung của nhân loại. Trong đó, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh…
Có thể nói rằng, giới Luật sư có đặc điểm là một đội ngũ có trí thức, trình độ và luôn nhanh nhạy trước những cái mới. Bên cạnh đó, giới Luật sư cũng có khả năng nắm bắt, phán đoán các xu thế mới của thời đại rất nhanh. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, tiền đề vững chắc để chúng ta thực hiện việc chuyển đổi số đối với hoạt động Luật sư hiện nay. Liên quan đến vấn đề này Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những trả lời kênh VTC10, truyền hình đồi ngoại. Dưới đây là nội dung chi tiết
Câu hỏi 1: Anh đánh giá thế nào về những lợi ích của chuyển đổi số với doanh nghiệp/công ty?
Trả lời:
Chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh, …Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên, ... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Nhìn chung, mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Câu hỏi 2: Công ty anh đã thích ứng với quá trình chuyển đổi số như nào? Đặc biệt là việc sử dụng hợp đồng điện tử.
Trả lời:
Chuyển đổi số (Digital transformation) là xu hướng chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Song không có một định nghĩa chung nào cho khái niệm chuyển đổi số. Đối với mỗi doanh nghiệp, tổ chức có mô hình và phương thức quản lý khác nhau thì định nghĩa về chuyển đổi số cũng khác nhau. Chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của công ty, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.
Trong nền kinh tế mở và điều kiện phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, hợp đồng điện tử nói riêng và chuyển đổi số nói chung đang dần trở thành phương thức được nhiều doanh nghiệp quan tâm lựa chọn thay thế cho các loại hợp đồng truyền thống bởi khả năng tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, dễ dàng trao đổi dữ liệu và chia sẻ thông tin.
Đặc biệt, trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, các công ty đã xử lý các vấn đề trên các nền tảng trực tuyến (online) một cách nhanh chóng thông qua việc họp trực tuyến, hội thảo trực tuyến, nộp hồ sơ điện tử, …
Ở Việt Nam hiện nay, đã có các doanh nghiệp theo xu hướng áp dụng các công nghệ đột phá trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý (đăng ký doanh nghiệp tự động WinLegal; Chương trình số hóa và chăm sóc khách hàng Công ty Luật ICT), nhưng chỉ là ở bước đầu như thu thập, tạo cơ sở dữ liệu, chứ chưa đạt đến trình độ phân tích và đưa ra các dự báo như các hệ thống học máy ở các quốc gia phát triển.
Do đó, thiết nghĩ trong thời gian tới, sẽ cần một đơn vị đứng ra cung cấp dịch vụ số hóa, sau đó, các công ty Luật sẽ số hóa và bảo mật các dữ liệu của mình trong các cơ sở dữ liệu riêng.
Câu hỏi 3: Dưới góc nhìn của một Luật sư, anh có những lưu ý gì với các doanh nghiệp/công ty khi sử dụng hợp đồng điện tử, làm thế nào để sử dụng an toàn và hiệu quả.
Trả lời: Những rủi ro pháp lý có thể gặp khi sử dụng hợp đồng điện tử có thể gặp là:
Thứ nhất, hợp đồng điện tử mang tính phi biên giới, vì vậy khi xảy ra tranh chấp, rất khó xác định được địa điểm giao kết hợp đồng, đặc biệt là trong các giao dịch quốc tế. Do đó để đảm bảo các rủi ro được giải quyết bởi một cơ quan tài phán hoặc một cơ chế xử lý các bên cần có thêm các thỏa thuận để xác định rõ việc này.
Thứ hai, do tính phi vật chất, vô hình của hợp đồng, khi có tranh chấp cũng rất bất tiện khi không chứng minh được bản gốc và chữ ký gốc. Do đó trong trường hợp này các bên cần có sự xác định rõ ràng về bên thứ 3 trong việc xác định chữ ký số hoặc và các điều kiện tương tự có hiệu lực của hợp đồng được xác định cụ thể.
Thứ ba, có thể xảy ra trường hợp mất hoặc bị tiết lộ dữ liệu, việc này có thể xảy ra khi các bên ủy quyền cho bên thứ ba lưu trữ thông tin hoặc chứng thực dữ liệu. Vấn đề lộ thông tin do hacker mạng tấn công cũng là một trong những rủi ro cho các bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Thứ tư, vấn đề lừa đảo cũng là rủi ro lớn khiến các doanh nghiệp Việt Nam còn e dè chưa tiếp cận đối với hợp đồng điện tử.
Để có thể khắc phục được những bất cập đang tồn tại trong việc giao kết hợp đồng điện tử, nhà nước và các bộ, sở, ban ngành cần có phương án sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan. Ví dụ như những quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn vẫn còn chung chung và chưa cụ thể, rõ ràng đối với hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Tóm lại, với sự phát triển của công nghệ hiện đại thì những rủi ro liên quan đến kỹ thuật và bảo vệ thông tin sẽ ngày càng ít đi. Dần dần những lỗ hổng pháp lý cũng sẽ được giải quyết và hợp đồng điện tử sẽ phát huy được hết khả năng của nó. Tuy nhiên, để đến được với viễn cảnh này thì cần rất nhiều sự nỗ lực và cố gắng của các nhà làm luật cũng như các doanh nghiệp cũng cần phải đi trước để tự bảo vệ mình khỏi những lỗ hổng pháp lý đang tồn tại.