Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về hiện tượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép để thu lợi bất chính đang diễn ra gần đây. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law
1. Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện tình trạng một số tài khoản cá nhân, nhóm người tự phát đăng nhiều nội dung quảng cáo nhận làm các dịch vụ đất đai cho người dân như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở để thu lợi bất hợp pháp. Thực tế cho thấy cũng có những mảnh đất những đối tượng này đã thực hiện chuyển đổi được. Ông lý giải điều này như thế nào?
Trả lời:
Việc một số tài khoản cá nhân, nhóm người dùng tự phát đăng nhiều nội dung quảng cáo trên các trang mạng xã hội như đã nói trên để nhận làm các dịch vụ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở là không có cơ sở, là hành vi trái quy định của pháp luật. Quy định của pháp luật đất đai, nhất là các điều kiện pháp lý để đảm bảo thực hiện thủ tục hành chính chưa đầy đủ hoặc không cho phép, dẫn đến tình trạng người dân "tiền mất, tật mang", gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Điều 52 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải được căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và trên cơ sở xem xét về nhu cầu sử dụng đất thể hiện tại đơn đề nghị chuyển mục mục đích sử dụng đất.
Nếu người dân có mong muốn chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, điểm d khoản 1 Điều 57 Chương 5 Luật đất đai 2013 và khoản 4 Điều 95 Chương 7 Luật đất đai 2013 nêu rõ: Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo: Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 143, 144 Luật Đất đai năm 2013, việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Có thể thấy, vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc đưa ra quy hoạch sử dụng đất và phê duyệt các yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc những hành vi trái với pháp luật này vẫn thực hiện chuyển đổi thành công một số thửa đất cho thấy sự lơ là trong công tác thẩm định, cũng như kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền địa phương, cũng không thể loại trừ khả năng đã có sự thông đồng với nhau giữa các đối tượng làm dịch vụ sai quy định pháp luật với các cán bộ địa phương để ăn, chia lợi nhuận.
Do đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần sự vào cuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan nhà nước và sự tự nâng cao kiến thức của người dân.
2. Có tình trạng nhiều người mua mảnh đất có diện tích lớn trong đó có cả diện tích đất ở và đất nông nghiệp sau đó làm thủ tục chuyển đổi thành đất ở và phân lô bán nền để bán. Vai trò của các địa phương, các cấp chính quyền trong vấn đề này ở đâu?
Trả lời:
Hiện nay tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phân lô, bán nền để bán diễn ra ngày càng nhiều. Điều đó thể hiện sự buông lỏng quản lý của một số chính quyền địa phương trong công tác kiểm soát các hoạt động diễn ra trên địa bàn. Để có thể giải quyết dứt điểm các vấn đề này, các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cần nâng cao vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát xử lý của mình, như:
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện kiểm tra, rà soát, báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất; đồng thời, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và điều kiện cụ thể tại địa phương để đề xuất, kiến nghị cụ thể về các nội dung như: điều kiện thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại địa phương (gồm thửa đất ở, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất trồng cây hàng năm; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất đất nuôi trồng thủy sản; đất nông nghiệp khác).
- Cần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc phê duyệt dự án và chịu trách nhiệm tối đa về việc quản lý các dự án phân lô, bán nền, song song với đó, cần tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành.
- Cần ban hành một quy định chung về việc đất đai phân lô, bán nền phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí gì, còn cấp nào phê duyệt, quản lý chỉ cần căn cứ vào tiêu chí đã được ban hành và quy hoạch của từng địa phương. Để quản lý tốt việc phân lô, bán nền, hạn chế tối đa những mặt hạn chế thời gian qua, cần có các giải pháp, quy định về việc đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp, các ngành; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xây dựng sai phép, lừa đảo, bán dự án ma…