Trong chương trình luật sư doanh nghiệp, luật sư Nguyên Thanh Hà, chủ tịch, giám đốc S&B Law sẽ trả lời biên tập viên kênh tài chính, kinh doanh SCTV8, VTC 8 về vấn đề đăng ký mã số, mã vạch tại Việt Nam.
Chúng tôi trân trọng tóm lược nội dung buổi phỏng vấn:
Biên tập viên: Luật sư có thể cho chúng tôi biết mã số mã vạch hàng hóa là gì?Và có cấu tạo như thế nào?
Để tạo thuận lợi và nâng cao năng suất, hiệu quả trong bán hàng và quản lý kho người ta thường in trên hàng hoá một loại mã hiệu đặc biệt gọi là mã số mã vạch của hàng hoá.
Mã số mã vạch đầu tiên được chế tạo và đưa vào sử dụng trên thế giới từ những năm thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Do yêu cầu phát triển sản xuất và kinh doanh thương mại, công nghệ mã số mã vạch ngày càng được nghiên cứu hoàn thiện, phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong đa ngành kinh tế và trên toàn thế giới. Vậy mã số mã vạch là gì?
1. Mã số là một dãy các chữ số dùng để phân định vật phẩm, địa điểm, tổ chức.
2. Mã vạch là một dãy các vạch thẫm song song và các khoảng trống xen kẽ để thể hiện mã số sao cho máy quét có thể đọc được.
Về cấu tạo của mã số mã vạch:
Mã số của hàng hoá là một dãy con số dùng để phân định hàng hoá, áp dụng trong quá trình luân chuyển hàng hoá từ người sản xuất, qua bán buôn, lưu kho, phân phối, bán lẻ tới người tiêu dùng. Nếu thẻ căn cước giúp ta phân biệt người này với người khác thì mã số hàng hoá là “thẻ căn cước” của hàng hoá, giúp ta phân biệt được nhanh chóng và chính xác các loại hàng hoá khác nhau.
Mã vạch thể hiện mã số EAN gọi là mã vạch EAN. Trong mã vạch EAN, mỗi con số được thể hiện bằng hai vạch và hai khoảng trống theo ba phương án khác nhau (Set A, B, C). Mỗi mã vạch hay khoảng trống có chiều rộng từ 1 đến 4 môđun. Như vậy mã vạch EAN thuộc loại mã đa chiều rộng, mỗi môđun có chiều rộng tiêu chuẩn là 0,33 mm.
Biên tập viên: Luật sư có thể cho biết khi sử dụng mã số mã vạch sẽ đem đến những lợi ích gì?
Việc sử dụng mã số mã vạch trong thương mại có ý nghĩa to lớn đối với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.
- Với cấu trúc được tiêu chuẩn hoá, an toàn và đơn giản Mã số Mã vạch cho phép nhận dạng chính xác vật phẩm và dịch vụ, thay thế khâu “nhập” và “truy cập” dữ liệu bằng tay, do đó cho “kết quả” chính xác, không nhầm lẫn.Điều này sẽ có ý nghĩa to lớn cho phép các nhà sản xuất có thể quản lý tốt, chính xác các sản phẩm của mình, đặc biệt đối với những công ty sản xuất nhiều mặt hàng, đa chủng loại.
Việc thay thể khâu “nhập” và “truy cập” dữ liệu bằng tay còn giúp các nhà sản xuất tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quản lý ở khâu quản trị hậu cần và logistic.
Ngoài ra, MSMV còn là công cụ hữu ích cho các DN quản lí và kiểm soát sự lưu thông hàng hoá trong nước và quốc tế trong thời kì hội nhập.
- Thông tin nhanh: Mã số mã vạch giúp thu thập và cung cấp thông tin nhanh, giúp cho các nhà kinh doanh và quản lý có thể có những quyết định đúng đắn và kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý.
- Thoã mãn khách hàng: Do tính hiệu suất, chính xác, thông tin nhanh, Mã số mã vạch giúp đáp ứng khách hàng về mặt thời gian, số lượng hàng, chủng loại, về chất lượng hàng và dịch vụ, tính tiền nhanh và chính xác, hướng dẫn lựa chọn hàng hoá và dịch vụ theo yêu cầu.
- MSMV là công cụ giúp các nhà sản xuất, các nhà cung cấp thuận lợi, dễ dàng khi quản lí phân phối, biết được nguồn gốc, xuất xứ của mỗi loại sản phẩm, đồng thời tránh được các hiện tượng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Biên tập viên: Để được cấp mã số mã vạch, doanh nghiệp phải liên hệ với cơ quan chức năng nào và thủ tục ra sao?
Theo quy định tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ “Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số, mã vạch”, doanh nghiệp muốn đăng ký mã số mã vạch cho các sản phẩm hàng hóa phải nộp hồ sơ đăng ký tại Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hồ sơ đăng ký bao gồm các tài liệu sau:
1. Bản Đăng kí sử dụng MSMV đã điền đầy đủ thông tin, thủ trưởng kí tên, đóng dấu (02 bản);
2. Bản sao "Giấy phép kinh doanh" hay "Quyết định thành lập" (01 bản);
Lưu ý - Cần bản phô tô công chứng - trong trường hợp doanh nghiệp chưa có con dấu pháp nhân.
3. Bảng đăng kí danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN, theo mẫu (02 bản).
Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong 3 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch.
Biên tập viên: Các doanh nghiệp nên lưu ý vấn đề gì khi sử dụng mã số mã vạch?
Thủ tục đăng ký MSMV rất đơn giản,các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra thị trường, cũng cần quan tâm tới việc đăng ký.
Có nhiều tổ chức tư vấn có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành thủ tục này.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu về các nội dung MSMV trên website của Tổng Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng.
Xin mời bạn xem lại chương trình tại đây