Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã tư vấn về thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế trong Chương trình Luật sư tháng 3. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1: Tôi tên là Lê Thị Lan, hiện đang cư trú tại Canada. Gia đình tôi hiện tại vẫn ở Việt Nam, gồm cha mẹ và 2 em gái. Cha tôi lâm bệnh nặng và đã qua đời cách đây 1 tháng. Trước khi mất, cha tôi có để lại di chúc chia đều cho các anh em tôi. Tuy nhiên, hiện tại tôi đã có cuộc sống khá đầy đủ, tôi không muốn nhận phần tài sản đó mà để tài sản đó lại cho mẹ tôi. Vậy xin hỏi luật sư, thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế gồm những gì?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp việc từ chối nhận di sản thừa kế nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản, người thừa kế có quyền có quyền từ chối nhận di sản. Bạn cần lưu ý cũng theo quy định này, việc từ chối nhận di sản bắt buộc phải được lập thành văn bản, gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết và phải được thực hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Như vậy, để từ chối nhận di sản thừa kế, trước thời điểm phân chia di sản, bạn cần lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế, gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản.
Câu 2: Tôi được bố tôi viết di chúc để lại di sản thừa kế, tuy nhiên do bố bỏ rơi và không nuôi tôi từ tấm bé nên tôi không muốn nhận phần di sản này. Tôi định thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản nhưng không biết khi lập văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế cần lưu ý gì?
Trả lời:
Về văn bản từ chối nhận di sản thừa kế, theo quy định tại Điều 620 BLDS, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về thời điểm lập văn bản. văn bản từ chối nhận di sản thừa kế phải được lập trước thời điểm phân chia di sản.
Thứ hai, về người nhận văn bản, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế phải được gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính hợp pháp của văn bản cũng như tạo thuận lợi, tránh xảy ra tranh chấp cho việc phân chia di sản thừa kế, bạn có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng công chứng văn bản từ chối nhận di sản thừa kế.
Câu 3: Gia đình tôi có một ngôi nhà do bà ngoại để lại. Bà ngoại tôi có 4 người con (gồm hai bác tôi, mẹ tôi và cậu tôi). Tại thời điểm bà ngoại tôi mất, hai bác tôi đang định cư ở nước ngoài. Sau này, cậu tôi cũng ra nước ngoài định cư. Mẹ tôi là người con duy nhất ở lại Việt Nam. Trước đây, ngôi nhà chỉ có giấy tờ viết tay. Mẹ tôi đã làm lại giấy tờ, nhưng trong sổ hồng lại ghi "là con thừa kế và đại diện cho các người con". 3 người ở nước ngoài đã làm giấy từ chối nhận thừa kế có chứng thực của lãnh sự quán và để lại cho mẹ tôi nhưng hiện nay tôi vẫn không làm được giấy tờ để sang tên qua cho mẹ tôi.
Sau khi làm giấy tờ từ chối nhận thừa kế thì hiện nay bác cả tôi ở nước ngoài đã mất Tôi không thể liên hệ được với vợ con bác. Vậy tôi có thể sử dụng giấy tờ trước khi bác tôi mất để hoàn thành thủ tục không?
Xin nhờ luật sư tư vấn giúp.
Trả lời:
Theo thông tin bạn cung cấp, bác bạn đã có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có chứng thực của lãnh sự quán và đã gửi cho mẹ của bạn. Như vậy, bạn có thể sử dụng văn bản này để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng của địa phương. Sau khi có văn bản khai nhận di sản thừa kế, bạn có thể tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại cơ quan đăng ký đất đai có thẩm quyền.