Luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn trên báo An ninh thủ đô về biện biện pháp xử lý đối với những cá nhân vi phạm quy định về an toàn giao thông nhưng không nộp hoặc chậm nộp tiền phạt. Dưới đây là nội dung chi tiết:
ANTD.VN - Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Thời gian qua, đã có khá nhiều trường hợp chủ xe được gửi thông báo “phạt nguội” nhưng cố tình chây ì không đi nộp phạt. Hành vi này sẽ bị xử lý ra sao theo quy định hiện hành?
Thông thường, trước khi “phạt nguội”, lực lượng CSGT sẽ ghi hình xe ôtô vi phạm dừng đỗ trên phố và dán thông báo trên kính xe. Quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày CSGT gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện hoặc lái xe không đến giải quyết thì CSGT gửi thông báo đến công an địa phương hoặc nơi làm việc của chủ phương tiện và gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm.
Về biện biện pháp xử lý đối với những cá nhân vi phạm quy định về an toàn giao thông nhưng không nộp hoặc chậm nộp tiền phạt , Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; Khấu trừ tiền từ tài khoản; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
Ngoài ra cơ quan có thẩm quyền còn thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
CSGT dán thông báo phạt nguội lên kính xe ô tô |
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định; trường hợp ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Nếu không nộp phạt nguội đúng hạn, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Số tiền nộp phạt = Số tiền phạt chưa nộp + (Số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp)
Đặc biệt, trường hợp ô tô vi phạm giao thông không nộp phạt nguội đúng thời hạn còn có thể bị từ chối đăng kiểm. Theo hướng dẫn tại Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, đơn vị đăng kiểm không được kiểm định xe khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Mặt khác, Khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ, nếu quá hạn nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Như vậy, nếu chủ xe ô tô không tiến hành nộp phạt vi phạm giao thông thì sẽ bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định và không thể thực hiện được kiểm định. Trường hợp quá hạn đăng kiểm có thể bị phạt tiền tới 16 triệu đồng.
Để tránh rơi vào tình trạng trên, khi bị “phạt nguội” người vi phạm nên đến nộp phạt theo đúng thời gian ghi trên thông báo - Luật sư Thu khuyến cáo.
Nguồn: https://anninhthudo.vn/chu-xe-chay-i-khong-nop-phat-nguoi-se-bi-xu-ly-ra-sao-post457011.antd