Chống tham nhũng ở các cơ quan chống tham nhũng: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề hiện nay

Nội dung bài viết

Câu hỏi 1: Thưa LS, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng hiện nay, có những người thực hiện công tác chống tham nhũng lại đi tham nhũng?

Trả lời:

Tham nhũng vẫn là “quốc nạn” thật sự bởi lẽ thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cán bộ là Bộ trưởng, là bí thư, chủ tịch tỉnh, rồi tướng lĩnh; thẩm phán tòa án, kiểm sát viên và tất nhiên là có nhiều cán bộ thanh tra đã bị xử lý bằng pháp luật.

Vừa qua, Tổ chức Minh bạch quốc tế đã công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2022, Việt Nam đạt 42/100 điểm, xếp hạng 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 3 điểm và 10 bậc so với khảo sát năm 2021 và tăng 6 điểm, 27 bậc so với năm 2020. Cách tính điểm thì 0 điểm là mức tham nhũng cao nhất và 100 điểm là trong sạch nhất. Nhìn vào số điểm thì Việt Nam ở dưới mức trung bình, điều này chứng tỏ mức độ tham nhũng ở nước ta vẫn cao.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết trong sáu tháng đầu năm 2023, đã thi hành xong 45 vụ việc, thu hồi hơn 73.400 tỉ đồng từ các vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Con số này cho thấy mức độ tham nhũng của nước ta còn cao, vẫn còn nhiều cá nhân bất chấp pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan thi hành luật pháp nhà nước.

Cụ thể hơn, trong Quý I/2023, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 8.901 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 82,69%), bắt 20.298 đối tượng; đã phát hiện 218 vụ, trong đó có  708 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 65 vụ và 424 đối tượng so với quý IV/2022.

Ngày 30/3, Công an tỉnh Lai Châu cho biết đơn vị đã đồng loạt khởi tố 15 cán bộ, công chức một số sở, ban, ngành và các huyện về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, trong đó có 6 cán bộ là thành viên đoàn thanh tra. Quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đoàn thanh tra gồm 6 cán bộ đã nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng của các trưởng ban quản lý rừng nhằm bỏ qua lỗi vi phạm.

Như vậy, có thể thấy nạn tham nhũng đã và đang xảy ra hết sức phức tạp và thấy được ở hầu như tất cả các lĩnh vực trong đời sống, và đáng buồn nhất là ngay chính trong nội tại các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng.

 

Câu hỏi 2: Nguy cơ tham nhũng ở những cơ quan có chức năng chống tham nhũng thường cao hơn ở những cơ quan đơn vị khác, có đúng không ạ?

Trả lời:

Như phân tích bên trên, tình trạng tham nhũng ở nhiều cơ quan các cấp vẫn còn tồn tại bất chấp những cố gắng nỗ lực của Đảng và Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN chưa được quan tâm thường xuyên; năng lực chuyên môn, tinh thần gương mẫu, tích cực, đi đầu trong PCTN của một số đảng viên chưa cao; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên còn chưa được quan tâm đúng mức; không ít cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý; chưa có cơ chế, biện pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, có biểu hiện thoái hóa, biến chất, tiêu cực, …

Câu hỏi 3: Tham nhũng xảy ra ở những nơi, những người có vai trò chống tham nhũng gây nên hệ luỵ gì, thưa LS?

Trả lời:

Tham nhũng có tác hại đối với các khía cạnh khác nhau của xã hội, bao gồm thiệt hại chính trị, thiệt hại kinh tế, tác động xã hội và tác động xã hội. Thiệt hại chính trị xảy ra khi tham nhũng dẫn đến sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, phá hoại việc thực hiện đường lối của Đảng và làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Thiệt hại kinh tế xảy ra khi chi tiêu chính sách công bị thất thoát, dẫn đến tình trạng ngân sách nhà nước thiếu minh bạch và hiệu quả. Tham nhũng còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Tác động xã hội cũng bị ảnh hưởng, khi tham nhũng xâm phạm các chuẩn mực đạo đức.

Nhiều cán bộ, công chức không giữ vững phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng, phục vụ nhân dân dẫn đến vụ lợi trái pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tham nhũng diễn ra phổ biến trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao. Tham nhũng cũng ảnh hưởng đến các hoạt động dịch vụ xã hội, chẳng hạn như quản lý nhà ở, phúc lợi xã hội và bảo vệ pháp luật. Nhìn chung, tham nhũng tác động không nhỏ đến lòng tin của nhân dân đối với hệ thống quản lý của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của họ vào sự lãnh đạo và sự phát triển chung của xã hội.

 

Câu hỏi 4: Ông có thể phân tích những nguyên nhân dẫn để xảy ra hiện trạng tham nhũng xảy ra ngay trong những cơ quan chống tham nhũng?

Trả lời:

Nguyên nhân phát sinh tham nhũng ở Việt Nam có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ dẫn đến tình trạng tham nhũng đó. Ví dụ như do quản lý yếu kém, do ảnh hưởng của văn hóa, do pháp luật chưa đồng bộ, do đạo đức cán bộ, công chức, viên chức suy thoái… Khi nói đến nguyên nhân thường phải đặt trong mối quan hệ nguyên nhân - kết quả. Đó là quan hệ trên thực tiễn khi đã có kết quả xảy ra.

Nguyên nhân khách quan có thể kể đến như là hành lang pháp lý còn một số bất cập, chính nội dung này đã gây ra sự thiếu minh bạch và tạo cơ hội cho các cá nhân thực hiện hành vi tham nhũng. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như công tác kiểm tra và giám sát chưa được chặt chẽ và thiếu năng lực trách nhiệm; thiếu hệ thống, chính sách và quy định chặt chẽ để từng bước phòng ngừa tham nhũng. Một nguyên nhân khá hợp lý cho hành vi tham nhũng chính là vì lương của các cán bộ, công chức vẫn ở mức thấp. Không có gì đảm bảo rằng họ có thể toàn tâm toàn ý cho công việc chung, không màng đến lợi ích bên ngoài, để hoàn thành trách nhiệm và lý tưởng ban đầu của mình.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền và giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên đã không được quan tâm đúng mức hoặc việc triển khai thực hiện chưa thực sự nghiêm túc, không đem lại hiệu quả, thậm chí còn có thể bị xao nhãng, lãng quên.

Nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng tham nhũng chính là xuất phát từ yếu tố con người. Đó chính là sự suy thoái về phẩm chất và đạo đức của con người, từ lòng tham, sự ích kỷ của những người được coi là có quyền lực trong xã hội, họ đã lợi dụng quyền hạn của mình để vụ lợi một cách bất hợp pháp và không chính đáng.

 

Câu hỏi 5: Đâu là giải pháp căn cốt cho vấn đề trên, thưa LS?

Trả lời:

Trước tiên, cần phải làm trong sạch đội ngũ những người làm công tác phòng, chống tham nhũng bằng cách lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên. Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan báo chí và nhân dân trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng khi thi hành công vụ.

Thứ hai, lương của cán bộ, công chức - trong đó có ngành Thanh tra - cơ bản là không cao, không có tích lũy. Trong khi mọi người phải đối mặt với vô vàn khoản chi tiêu theo “cơ chế thị trường” thì đồng lương của công chức vẫn còn rất lạc hậu và nói thẳng là không đảm bảo được cuộc sống. Cho nên, muốn hạn chế tiêu cực từ các cơ quan chống tham nhũng cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc điều chỉnh chế độ tiền lương.

Thứ ba, nước ta có thể học hỏi một số giải pháp từ một số quốc gia trên thế giới. Cụ thể:

Ở Hàn Quốc, Australia, hình phạt nghiêm khắc cũng được áp dụng đối với các quan chức tham nhũng, bất kể đó là ai, dù là chính khách hay công chức bình thường. Kết quả của việc xử lý được công khai để nhân dân giám sát. Chính điều này đã tạo điều kiện cho cuộc chiến chống tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ và rộng rãi.

Một giải pháp khác đó là việc công khai dữ liệu. Đây cũng là cách để Thái Lan chống tham nhũng. Cơ quan Chính phủ điện tử (EGA), dưới sự giám sát của Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông, hiện quản lý cổng dữ liệu trung tâm của chính phủ bao gồm 893 bộ dữ liệu liên quan đến phát triển kinh tế, giao thông vận tải, công nghiệp và xã hội, và chi tiêu của chính phủ.

Ngoài ra, cần có những biện pháp chế tài nghiêm khắc, để răn đe cũng như là hạn chế tình trạng này một cách triệt để. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lựcnâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan