Chống lại vi phạm bản quyền World Cup 2018: Cuộc chiến không cân sức

Nội dung bài viết

Trong bài "Chống lại vi phạm bản quyền World Cup 2018: Cuộc chiến không cân sức" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

ANTD.VN -Chưa bao giờ khán giả được tiếp cận World Cup dễ dàng, đa dạng như mùa giải này. Chỉ cần một cú click chuột, khán giả có thể xem được trận bóng đá mình muốn. Hành vi livestream các trận đấu vẫn diễn ra mạnh mẽ cùng với đông đảo "khán giả riêng" bất chấp việc có thể bị xử lý bởi các quy định của pháp luật.

VTV có nguy cơ mất quyền phát sóng Worldcup?

Về nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật SBLAW, Phó Giám đốc Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam cho rằng, do nhận thức về bản quyền của đại bộ phận khán giả còn thấp. Thay vì lựa chọn xem truyền hình một cách có trách nhiệm và đúng luật thì không ít người lại chọn cách xem theo hướng tiếp cận thuận lợi nhất.

Trong khi đó, yếu tố tự nhận thức về bản quyền có sức mạnh tương ứng với chế tài. Nếu nhìn vào tỉ lệ vi phạm bản quyền Việt Nam theo công bố mới nhất của hiệp hội bản quyền BSA tại Việt Nam đang ở mức 74% sẽ thấy vấn đề này trầm trọng đến mức nào.

Llivestream lậu hành vi cần bị lên án và xử lý. Để có được bản quyền World Cup, VTV đã phải tiến hành nhiều thủ tục phức tạp. Một trong những chướng ngại vật họ phải vượt qua trong vụ đàm phán bản quyền ngoài yếu tố tài chính còn phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi cam kết đảm bảo bản quyền phát sóng. Do vậy, VTV đã liên tục lên tiếng cảnh báo, tuyên truyền về vấn đề này. Song trên thực tế, không ít tổ chức, cá nhân vẫn ngang nhiên livestream, dùng mọi thao tác kỹ thuật để xâm phạm bản quyền World Cup 2018.

“Để xác định ảnh hưởng của vi phạm bản quyền đối với việc sở hữu bản quyền World Cup 2018 của VTV phải dựa vào hợp đồng ký kết giữa VTV và FIFA (hoặc đại diện). Nhưng theo thông lệ, trong hợp đồng này bao giờ cũng có điều khoản chấm dứt hợp đồng (hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng) và nguyên nhân, điều kiện dẫn đến chấm dứt hợp đồng có thể vì không quản lý được bản quyền chương trình phát sóng. Nếu không thể ngăn được các bên vi phạm livestream các trận đấu, nguy cơ VTV mất quyền phát sóng World Cup là hiện hữu” – Luật sư Phạm Duy Khương cho biết.

Có thể xử lý hình sự

Cũng theo Luật sư Phạm Duy Khương, tùy vào mức độ của hành vi vi phạm, đối tượng thực hiện có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. BLHS 2015 (sửa đổi) đã quy định rất rõ ràng về các trường hợp xâm phạm về bản quyền tác giả.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cho VTV hoặc bên nắm quyền là việc xác định cá nhân, tổ chức đứng sau hành vi livestream đó cũng như việc lưu trữ bằng chứng vi phạm và xác định được thiệt hại, lợi nhuận gắn với hành vi xâm phạm.

ảnh 2Thạc sỹ, Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật SBLAW

“Rất tiếc trong trường hợp của VTV, việc ngăn chặn các hành vi xâm phạm đang được các công ty cung cấp dịch vụ internet coi như là một sự giúp đỡ, hỗ trợ thay vì coi đó nghĩa vụ của họ. Trong khi đó trên thế giới, nhiều nước coi đây là một nghĩa vụ bắt buộc khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền” – Luật sư Phạm Duy Khương nhận định.

Có thể nói, cuộc chiến chống lại vi phạm bản quyền World Cup giữa VTV, các bên nắm quyền và bên vi phạm là một cuộc chiến không cân sức, trong đó khả năng thua cuộc của VTV và các đối tác là khá cao. Song, nếu một ngày World Cup và các giải bóng đá tương tự bị cấm chiếu tại Việt Nam hoặc chúng ta phải trả một chi phí đắt gấp nhiều lần để có được bản quyền những trận đấu yêu thích thì đối tượng bị thiệt thòi nhiều nhất lại thuộc về đa số những người hâm mộ trái bóng tròn.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/the-thao/chong-lai-vi-pham-ban-quyen-world-cup-2018-cuoc-chien-khong-can-suc/772026.antd

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan