Mới đây, Chính phủ có chính sách ưu tiên đối với học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người. Cụ thể, chính sách ưu tiên đó gồm những gì? Đối tượng nào được ưu tiên …Đó là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. PV Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội). Luật sư Hà cho biết:
Ngày 09 tháng 05 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, viên dân tộc thiểu số rất ít người. Nghị định này hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017. Trong điều kiện kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn thì việc ban hành chính sách ưu tiên này là thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với con em người dân tộc rất rất ít người nói riêng và đồng bào dân tộc rất ít người nói chung.
Câu hỏi 1: Như luật sư nói, đây là chính sách ưu tiên dành cho học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người, cụ thể đó là những dân tộc nào, thưa luật sư?
Đó là trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người gồm: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ (sau đây gọi là dân tộc thiểu số rất ít người). Chính sách ưu tiên đó chỉ dành cho người đang học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. (Điều 2)
Câu hỏi 2: Chính sách ưu tiên đó gồm những gì? Cụ thể ra sao?Thứ nhất, chính sách ưu tiên tuyển sinh: Trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người được ưu tiên vào học tại các cơ sở giáo dục phù hợp theo nguyện vọng: (Điều 3)
+ Trẻ mẫu giáo được học tại các trường mầm non; trường, lớp mẫu giáo công lập.
+ Học sinh tiểu học được học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường tiểu học.
+ Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường trung học cơ sở.
+ Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển thẳng vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.
+ Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được xét tuyển thẳng vào học tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ học tập (Điều 4):
- Mức hỗ trợ:
+ Trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số rất ít người học tại các cơ sở giáo dục mầm non được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 30% mức lương cơ sở/trẻ/tháng.
+ Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 40% mức lương cơ sở/học sinh/tháng.
+ Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú hoặc là học sinh bán trú học tại trường phổ thông công lập có học sinh bán trú được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 60% mức lương cơ sở/học sinh/tháng.
+ Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 100% mức lương cơ sở/học sinh/tháng.
+ Học sinh sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 100% mức lương cơ sở/người/tháng.
- Thời gian được hưởng hỗ trợ: 12 tháng/năm cho đối tượng có thời gian học đủ 9 tháng/năm trở lên; trường hợp đối tượng học không đủ 9 tháng/năm thì được hưởng theo thời gian học thực tế.
Câu hỏi 3: Trong trường hợp một học sinh đã được hưởng chế độ khác, nay được hưởng chính sách hỗ trợ trên không?
Việc này, điểm b, khoản 3, Điều 4, Nghị định trên quy định như sau:
b) Trường hợp trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng tính chất thì chỉ được hưởng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất, cụ thể:
- Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định này không được hưởng hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
- Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú hoặc là học sinh bán trú học tại trường phổ thông công lập có học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định này không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
- Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định này không được hưởng học bổng chính sách quy định tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
- Sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người học tại các cơ sở giáo dục đại học được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định này không được hưởng hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.
- Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định này không được hưởng học bổng chính sách quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp và không được hưởng hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học
Câu hỏi 4: Nếu vì một lý do nào đó mà học sinh, sinh viên phải nghỉ học giữa chừng thì sau đó tiếp tục học lại thì có được hưởng hỗ trợ không?
Điểm a, Khoản 3, Điều 4, Nghị định số 57/2017/NĐ-CP quy định như sau:
“Trường hợp học sinh, sinh viên bị ngừng học thì thời gian ngừng học không được hưởng hỗ trợ. Trường hợp học sinh, sinh viên bị buộc thôi học thì thôi hưởng chính sách hỗ trợ ngay sau khi thôi học.”. Căn cứ vào quy định đó thì thời gian ngừng học sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.
Câu hỏi 5: Không ít trường hợp học sinh, sinh viên học một lúc 2 trường đại học. Vậy họ có được hưởng 2 suất hỗ trợ không?
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4, Nghị định số 57/2017/NĐ-CP thì: Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu học đồng thời ở nhiều khoa trong cùng một cơ sở giáo dục hoặc học ở nhiều cơ sở giáo dục khác nhau thì chỉ được hưởng hỗ trợ một lần.
Câu hỏi 6: Để được hỗ trợ phụ huynh, học sinh, sinh viên cần phải làm thủ tục gì? Trình tự giải quyết và phương thức chi trả, nhận hỗ trợ ra sao?
Trước hết, đầu năm học, cha mẹ (hoặc người chăm sóc) trẻ mẫu giáo; học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách làm đơn đề nghị hỗ trợ học tập ( theo mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này) nộp cho các cơ sở giáo mà mình đang theo học. Để biết thông tin chi tiết, về trình tự, thủ tục để được nhận hỗ trợ, cũng như phương thức chi trả, các bạn tham khảo Điều 5, Nghị định trên.