Thời gian qua, mưa lũ đã gây thiệt hại cả về người và của, đời sống của người dân ở nhiều địa phương gặp khó khăn. Vậy những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người bị thiệt hại do thiên tai như thế nào? Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã có những giải đáp xung quanh vấn đề này.
Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai
Bạn đọc: Vàng A Lừ (Lai Châu): Đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho ruộng nương, cây cối của gia đình tôi bị hỏng hết rồi; lợn, gà cũng bị mưa lũ cuốn trôi. Nói chung là sản xuất nông nghiệp bị thiệt hai rất lớn. Vậy tôi có được Nhà nước hỗ trợ gì không?
Nhiều năm qua, do ảnh hưởng của mưa, bão đã gây thiệt hại rất lớn đến người và tài sản. Nhiều gia đình không những bị mưa bão làm mất nhà cửa, ruộng vườn… thậm chí còn chết người, khiến cho đời sống lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Để bù đắp một phần những mất mát, thiệt hại ấy, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 09 tháng 01 năm 2017 “…quy định việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống thiên tai..."
Nếu cây trồng, vật nuôi cuả gia đình bạn bị thiệt hại do mưa lũ thì bạn sẽ được Nhà nước hỗ trợ theo quy định trên.
Đối tượng được hỗ trợ bị thiệt hại do mưa lũ
Bạn đọc Lò Văn Tươi (Sơn La): Tôi muốn hỏi, cây trồng, vật nuôi trong vùng bị thiệt hại do mưa lũ thì người nào được Nhà nước hỗ trợ?
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai được quy định tại Điều 2, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, cụ thể là: “Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Điều 1 Nghị định này.
Việc hỗ trợ phải thực hiện theo nguyên tắc:
- Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại).
- Thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật. Giống cây, con, hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương.
- Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng.
- Trong trường hợp có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cùng một nội dung, hộ sản xuất chỉ được nhận hỗ trợ một chính sách phù hợp nhất.
Tính đến ngày 27/9/2023, mưa lũ đã làm gần 1.200 nhà bị ngập, 150 ngôi nhà bị ảnh hưởng ở tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu
Điều kiện được hỗ trợ
Bạn đọc Nguyễn Văn Thắng (Nghệ An): Đợt mưa lũ vừa qua gia đình tôi bị thiệt hại nhiều diện tích cây ăn quả. Tôi đề nghị hỗ trợ thì cán bộ bảo gia đình tôi không đủ điều kiện được hỗ trợ. Cán bộ nói vậy có đúng không? Tại sao cũng bị thiệt hại như tôi mà có người lại được hỗ trợ?
Để biết cán bộ trả lời đúng hay không cần có nhiều thông tin khác. Chúng tôi chỉ nêu những quy định để căn cứ vào đó bạn tham chiếu xem mình có được hỗ trợ hay không.
Mặc dù bạn thuộc đối tượng được hỗ trợ, nhưng không phải cứ thuộc đối tượng được hỗ trợ thì được hỗ trợ. Theo quy định tại Điều 4, Nghị định trên, các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
- Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
- Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo mẫu số 6) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
- Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
- Thời điểm xảy ra thiệt hại: Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận;
Nhà đổ do lũ lụt có được hỗ trợ làm nhà?
Bạn đọc Phạm Văn Đại (Thanh Hoá): Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, mưa lũ vừa qua lại bị đổ nhà. Vậy tôi có được hỗ trợ để làm laị nhà không?
Khoản 1, Khoản 3, Điều 15, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40 triệu đồng/hộ.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20 triệu đồng/hộ.
Theo quy định trên thì bạn được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40 triệu đồng
* Thủ tục xem xét hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở thực hiện theo quy định sau đây:
Hộ gia đình có Tờ khai đề nghị hỗ trợ về nhà ở theo Mẫu số 6 ban hành kèm theo Nghị định này gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
Trình tự xem xét hỗ trợ về nhà ở thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này.