Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai?

Nội dung bài viết

Sau  bão số 4 đổ vào miền Trung (cuối tháng 9.2022), lại đến mưa lũ liên miên đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản cho người dân nơi đây. Nhiều nhà cửa bị sập, tốc mái; ruộng nương, hoa màu bị hư hỏng; gia súc, gia cầm bị chết…

Bạn đọc gửi thư về Toàn soạn, đề nghị Tạp chí Nông thôn mới cho biết: Chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ nông dân để giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất nông nghiệp? Chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi và giải đáp của luật sư: Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SBLAW)

 Bạn đọc Trần Văn Bội (Quảng Nam): Được biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai. Đề nghị cho biết, ai được hưởng chính sách này?

Trả lời:

Ngày 09.01.2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định “Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Theo đó:

Đối tượng được hỗ trợ gồm hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai.

Tuy nhiên để được xem xét hỗ trợ, hộ sản xuất bị thiệt hại phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4, Nghị định trên.

Bạn đọc Nguyễn Văn Hoài (Đà Nẵng): Điều kiện để người  sản xuất bị thiệt hại do thiên tai được Nhà nước hỗ trợ?

Trả lời:

Căn cứ Điều 4, Nghị định 02/2017/NĐ-CP, thì: Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

– Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

– Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.

– Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

– Thời điểm xảy ra thiệt hại: Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận;

Bạn đọc Phạm Văn Thảo (Thừa Thiên Huế): Hoa màu bị thiệt hại sẽ được Nhà nước hỗ trợ thế nào?

Trả lời:

– Khoản 1, Điều 5, Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ như sau:

+ Hỗ trợ đối với cây trồng:

a) Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

b) Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;

c) Diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha;

d) Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;

đ) Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

e) Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha

Bạn đọc Ngô Văn Lộc (Quảng trị): Do ảnh hưởng của bão, nên gia đình tôi bị thiệt hại một số cây rừng. Đề nghị cho biết Nhà nước có hỗ trợ không? Nếu được thì hỗ trợ bao nhiêu?

Trả lời:

Việc hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp quy định tại Khoản 2. Điều 5, Nghị định 02/2017/NĐ-CP. Để có thông tin chi tiết, bạn nghiên cứu điều luật này.

 Bạn đọc Hà Văn Hồng (Quảng Ngãi): Đề nghị cho biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với thiệt hại do bão lũ đối với nuôi trồng thủy hải sản;  gia súc, gia cầm và sản xuất muối.?

Trả lời:

* Mức hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản được quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 02/2017/NĐ-CP, cụ thể là:

+ Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4.100.000 – 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 2.000.000 – 4.000.000 đồng/ha;

+ Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 – 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 – 7.000.000 đồng/ha;

+ Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 6.100.000 – 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng/ha;

+ Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20.500.000 – 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng/ha;

+ Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20.500.000 – 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng/ha;

+ Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 – 10.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 – 7.000.000 đồng /100 m3 lồng;…

* Mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm:

Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 – 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 – 35.000 đồng/con;

Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 – 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 – 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;

Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.000.000 – 3.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.100.000 – 10.000.000 đồng/con;

Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000 – 2.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.100.000 – 6.000.000 đồng/con;

Hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 1.000.000 – 2.500.000 đồng/con.

*Hỗ trợ đối với sản xuất muối: Diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

 Các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.

Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (ghi)

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan