A. GIỚI THIỆU
Bức tranh về tình hình kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 phản ánh rõ nét các tác động của dịch bệnh Covid-19, cả tích cực và tiêu cực, đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng như đời sống của đa số người lao động.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ nhất, Chính phủ cũng đã có những chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ đời sống cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng lần thứ 1 năm 2020 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 do Chính phủ Việt Nam ban hành.
Mới đây nhất, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 và Công văn 1988/BHXH-TST quy định chi tiết và hướng dẫn các thủ tục áp dụng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.
B. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THEO NGHỊ QUYẾT 68/NQ-CP1
1. Đối với Người sử dụng lao động:
- Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng
chống đại dịch COVID-19. - Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4 năm 2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
- Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động với mức tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng trong thời hạn tối đa là 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022 khi người sử dụng lao động có:
- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên;
- Doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020;
- Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
- Chính sách cho vay để chi trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất
- Cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.
- Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Đối với Người lao động
Nghị quyết 68/NQ-CP cũng có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho 3 nhóm người lao động:
(a) Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
- Đối tượng: Người lao động làm việc tại các đơn vị bị tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch đáp ứng đủ các điều kiện: (i) thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày trở lên tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 (ii) đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời gian bị ạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc
không hưởng lương. - Mức hưởng: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.
- Mức hỗ trợ thêm: 1.000.000 đồng/người đối với NLĐ đang mang thai; 1.000.000 đồng/trẻ em đối với NLĐ đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha.
(b) Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc
- Đối tượng: người lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và đang tham gia BHXH bắt buộc.
- Mức hưởng: hỗ trợ một lần là 1.000.000 đồng/người
- Mức hỗ trợ thêm: 1.000.000 đồng/người đối với NLĐ đang mang thai; 1.000.000 đồng/trẻ em đối với NLĐ đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha.
(c) Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
- Đối tượng: Người lao động làm việc tại đơn vị bị chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Mức hưởng: hỗ trợ một lần là 3.710.000 đồng/người.
- Mức hỗ trợ thêm: 1.000.000 đồng/người đối với NLĐ đang mang thai; 1.000.000 đồng/trẻ em đối với NLĐ đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha.
3. Ngoài ra, gói hỗ trợ lần thứ hai của Chính phủ cũng mở rộng để hỗ trợ kịp thời cho một số nhóm đối tượng khác sau đây cũng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh:
- Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày cho người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) trong tối đa 45 ngày và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) trong tối đa 21 ngày, kể từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến hết năm.
- Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên; đối hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết năm.
- Hỗ trợ các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết năm để phòng, chống dịch với mức hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.
Tài liệu tham khảo
1.http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanbanclass_id=509&_page=1&mode=detail&document_id=203480