Năm học 2023-2024 vừa chính thức bắt đầu. Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách để nhằm hỗ trợ, ưu đãi, đối với học sinh, sinh viên để chia sẻ khó khăn cho mỗi gia đình. Dưới đây là những trao đổi của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW xung quanh vấn đề này.
Chính sách hỗ trợ học sinh sinh viên
Bạn đọc Phan Văn Trường (Quảng Bình): Nhà nước có chính sách ưu đãi gì cho học sinh, sinh viên?
Để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có điều kiện học tập tốt, đồng thời chia sẻ gánh nặng đối với phụ huynh, Nhà nước có rất nhiều chính sách ưu đãi cho học sinh, sinh viên như: Miễn, giảm tiền học phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi; được hưởng trợ cấp xã hội, học bổng; được hỗ trợ sinh hoạt phí; được ở nhà xã hội miễn phí, được cấp tiền tàu xe trong dịp tết …
Tất nhiên không phải học sinh, sinh viên nào cũng được hưởng những ưu đãi này mà có những chính sách chỉ dành cho những đối tượng nhất định theo quy định của pháp luật.
Bạn đọc Phạm Bé Hai (Sóc Trăng): Con tôi vừa đỗ vào đại học, tôi rất mừng nhưng cũng lo không biết làm thế nào để có tiền trang trải cho con mấy năm học. Vậy cháu có được Nhà nước cho vay tiền để chi phí cho quá trình học tập không? Và có được hưởng lãi suất ưu đãi không?
Tâm tư của bạn cũng là tâm tư của nhiều phụ huynh. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg “Về tín dụng đối với học sinh, sinh viên”. Chính sách này nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.
Tuy nhiên để được vay vốn, học sinh, sinh viên phải đáp ứng 2 tiêu chí:
Thứ nhất:
Thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 2, Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và Khoản 1 Điều 1 Quyết định 05/2022/QĐ-TTg như: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp … gồm:
- Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động;
- Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật, học sinh, sinh viên mà gia đình gặp phải khó về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh...
Thứ hai:
Đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4, Quyết định 157/2007/QĐ-TTg như: (1) Học sinh, sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn về đối tượng được vay vốn theo quy định pháp luật; (2) Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; (3) Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc; nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.
- Mức cho vay: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007/QĐ-TTg thì mức vay vốn tối đa là 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên
- Về lãi suất: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định 853/QĐ-TTg năm 2011 thì: Lãi suất cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là 0,65%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
- Thời hạn vay: Thực hiện theo quy định tại Điều 6, Quyết định 157/2007/QĐ-TTg
Miễn, giảm học phí
Bạn đọc Nông Văn Thái (Bắc Kạn): Tôi được biết, Nhà nước có chính sách miễn, giảm học phí cho một số học sinh, sinh viên. Đề nghị cho biết, ai được hưởng chính sách này?
Ngày 27 tháng 8 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, trong đó có chính sách miễn, giảm học phí, được quy định tại Mục 1, Chương IV, Nghị định trên. Theo đó các đối tượng được thụ hưởng chính sách này được chia thành các nhóm sau:
- Nhóm một: Đối tượng không phải đóng học phí (Điều 14)
- Nhóm hai: Đối tượng được miễn học phí (Điều 15)
- Nhóm ba: Đối tượng được giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí (Điều 16)
- Nhóm bốn: Không thu học phí có thời hạn (Điều 17)
- Hỗ trợ chi phí học tập
Bạn đọc Bé Hai (Ninh Thuận): Đề nghị cho biết Ai được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập? Và mức hỗ trợ ra sao?
Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập được quy định tại Điều 18 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP như: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông bị khuyết tật…
Theo quy định tại Khoản 10, Điều 20, Nghị định này thì các đối tượng nêu trên được hỗ trợ 150 nghìn đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/1 năm học và thực hiện chi trả 2 lần trong năm vào đầu các học kỳ của năm học.
Ai được học trường Phổ thông dân tộc nội trú?
Bạn đọc Giàng A Lư (Yên Bái): Gia đình tôi ở xa trung tâm, đi lại khó khăn, tôi muốn cho con tôi vào học trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú được không?
Đối tượng tuyển sinh vào trường PTDT nội trú được quy định tại Điều 9, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Vì bạn không nói cụ thể, nên chúng tôi không thể trả lời con bạn có đủ điều kiện để được học ở trường PTDT nội trú hay không. Bạn tham khảo quy định trên để biết.
Chế đội ưu đãi đối với học sinh trường dân tộc nội trú
Bạn đọc Rơ Châm Bo (Gia Lai): Học sinh trường dân tộc nội trú được Nhà nước hỗ trợ những gì?
Chế độ với học sinh đang học tại các trường PTDT nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, huyện và các trường dự bị đại học dân tộc.được quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT “Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc”. Cụ thể như sau:
- Được miễn học phí
- Được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước
- Được thưởng: Học sinh nếu học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả từ khá trở lên được Nhà trường thưởng một lần/năm
- Được trang cấp một số đồ dùng các nhân như: Chăn bông cá nhân; màn cá nhân; áo bông; chiếu cá nhân...
- Được cấp tiền tàu xe mỗi năm một lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp Tết hoặc dịp nghỉ Hè.
- Được hỗ trợ học phẩm:
- Sách giáo khoa: Nhà trường xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 01 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đó đang theo học
- Chi cho ngày tết nguyên đán, tết dân tộc:
- Chi hoạt động văn thể:
- Chi bảo vệ sức khỏe:
- Chi tuyển sinh và thi tốt nghiệp:
- Chi tiền điện, nước phục vụ việc học tập và sinh hoạt:
- Chi nhà ăn tập thể:
- Các quy định khác