Chính sách của NHNN có đang ‘bóp nghẹt’ thị trường BĐS hậu Covid-19?

Nội dung bài viết

Kiểm soát tín dụng bất động sản là một chính sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước nhưng cần xem xét “nới lỏng” đối với một số lĩnh vực cần thiết của BĐS.Trong những tháng vừa qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản, việc giải ngân vốn cho cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất khó khăn.Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm trên buổi Talkshow “Kiểm soát tín dụng vào BĐS làm sao để lành mạnh hóa thị trường?” được tổ chức sáng ngày 23/7/2022. Dưới đây là nội dung chi tiết.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law
Thời điểm này kiểm soát BĐS có hợp lý không?

Điều phối chương trình, nhà báo Hoàng Thắng, Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn cho biết thời gian trước dịch bệnh Covid-19 xảy ra, vốn kinh doanh bị hạn chế, vốn lớn đổ vào BĐS và chứng khoán. Việc làm nóng thị trường dẫn đến xuất hiện “hàng giả, hàng nhái” tràn lan trên thị trường, trong khi đó nhiều người mua đất để đợi giá đất lên.Thậm chí một số khu công nghiệp sở hữu nhiều lô đất vàng cũng để chờ giá đất lên. Vì vậy xuất hiện tình trạng bong bóng BĐS. Trước nguy cơ đó Nhà nước đã ban hành chính sách điều chỉnh với nguồn tín dụng của BĐS.

Phát biểu tại buổi Talkshow, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, LS. Nguyễn Thanh Hà cho rằng thực tế hiện nay số lượng giao dịch BĐS cá nhân tăng cao so với năm trước. Bên cạnh đó việc đấu giá đất quá cao so với giá trị thực tế dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng.

Do đó, để tránh tình trạng bong bóng BĐS xuất hiện thì theo ông Hà việc điều chỉnh thời điểm này là hợp lý.

“Có một số nhà phân tích đang nghĩ là BĐS hồi phục sau Covid-19 lại bị chính sách “bóp nghẹt” nhưng theo tôi thì chính sách của nhà nước ban hành giúp điều chỉnh phù hợp chứ không phải bóp nghẹt”, Chủ tịch Công ty Luật SB Law khẳng định.

Nên siết chặt tín dụng với BĐS đầu cơ

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, bất động sản chính là đòn bẩy để kích thích phát triển kinh tế. Tuy nhiên việc quá tập trung đến thị trường bất động sản nhưng lại không tạo ra của cải vật chất như các ngành sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho toàn nền kinh tế.

Tình trạng “Nhà nhà, người người đi kinh doanh bất động sản” diễn ra trên khắp cả nước, nhiều người gom tiền, đầu cơ đất tạo ra nguồn cầu lớn ở từng khu vực nhưng lại không tạo nên đồng bộ toàn thể. Người dân không quan tâm đến làm ăn tạo ra thu nhập mà chỉ chăm chăm mong kiếm lời từ việc “mua qua bán lại” đất đai, sản phẩm BĐS khiến giá nhà đất bị đẩy lên cao một cách bất hợp lý.

Tình trạng phân lô bán nền tự phát xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành có thông tin quy hoạch khiến giá đất tăng cao mất kiểm soát, hàng loạt “cò đất” bám vào thông tin quy hoạch để kiếm lời,…

Từ đó, người dân có nhu cầu thực tế thì lại không tiếp cận được nhà đất dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

Vì những nguyên nhân trên, ông Nguyễn Thanh Hà cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên có quy định siết chặt tín dụng đối với một số lĩnh vực đầu cơ, BĐS có hiện tượng mua đi bán lại, các khu resort nghỉ dưỡng,… đây đều là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu ở thực, các nhà đầu tư về nhà ở xã hội hay các nhà đầu tư về căn hộ trung cấp.Việc kiểm soát nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS là cần thiết, nhưng nếu siết quá chặt tất cả các lĩnh vực thì có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung cho thị trường BĐS trung và thấp nên các chủ trương, chính sách cần được Chính phủ xem xét một cách cẩn trọng, không gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của người dân cũng như gây nên hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế.

Nguồn :http://antt.vn/chinh-sach-cua-nhnn-co-dang-bop-nghet-thi-truong-bds-hau-covid-19-344940.htm

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan