ANTĐ - Mặc dù, thời gian qua cơ quan chức năng đã khám phá không ít những vụ lừa đảo XKLĐ, nhưng do phần lớn người lao động không nắm được những thông tin cần thiết nên tình trạng lừa đảo vẫn tiếp diễn và có xu hướng ngày càng tinh vi ...
Đa dạng “mánh” lừa
Cuối tháng 5-2012, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - Công an Hà Nội đã bắt giữ Dương Đức Bàng, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng, có trụ sở ở Giảng Võ, quận Ba Đình theo quyết định truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau 10 năm lẩn trốn. Theo cơ quan CSĐT, mặc dù không có chức năng XKLĐ, không có hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhưng Bàng đã cùng Chủ tịch HĐQT công ty này tổ chức tuyển dụng và thu tiền của những người có nhu cầu đi XKLĐ tại Hàn Quốc, chiếm đoạt của 3 người lao động số tiền 6.400 USD và 77 triệu đồng.
Trước đó, ngày 4-5, CAQ Đống Đa cũng đã điều tra, làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới XKLĐ đối với đối tượng Nguyễn Ngọc Linh, nguyên giám đốc Công ty TNHH Ngọc Linh, ở phường Phương Mai, quận Đống Đa. Linh đã nhận tiền của nhiều người có nhu cầu đi XKLĐ dù đối tượng này không có khả năng tuyển dụng lao động và Công ty TNHH Ngọc Linh cũng không có chức năng đưa người đi lao động nước ngoài. Theo cơ quan CSĐT, Linh đã nhận tổng số tiền 116.000 USD để làm thủ tục cho 21 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Ngày 14-4, Nguyễn Thị Kim Anh ở Lâm Thao, Phú Thọ đã đến CAQ Hoàng Mai đầu thú và khai nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hoàng Thị Dương, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh số tiền 2.200 USD do hứa làm thủ tục cho chị Dương đi lao động Hàn Quốc. Trước đó, CAQ Hoàng Mai đã điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức môi giới XKLĐ đối với Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Thuận đã nhận khoảng 2,633 tỷ đồng của nhiều người và hứa sẽ làm thủ tục cho họ đi lao động tại các nước Nhật Bản, Canada… mặc dù công ty của Thuận không có chức năng tuyển chọn, môi giới cung ứng người đi XKLĐ.
Vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 công ty hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do không thực hiện chế độ báo cáo và đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.
Không đi qua “cò mồi”, môi giới
Có thể thấy hoạt động XKLĐ ở Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2012 là hơn 25.000 lao động, gồm các thị trường như Đài Loan (TQ), Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Campuchia, Macao, CH Síp, Ảrập Xê út,... chiếm 85,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 28,5% so với chỉ tiêu kế hoạch dự kiến đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2012.
Bên cạnh những thông tin tuyển dụng XKLĐ chính thống, dễ dàng bắt gặp những quảng cáo tuyển lao động hấp dẫn từ các công ty nhằm vào những thị trường có thu nhập cao như Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Cùng với đó là các cá nhân, doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động đi XKLĐ cũng tham gia vào các hoạt động này. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự cởi mở trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp nên đã nhập nhèm lập nên các trung tâm hoặc công ty cung ứng lao động, mượn danh pháp nhân hoặc mạo danh các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ với mục đích lừa đảo. Các công ty này thường quảng cáo trên mạng với địa chỉ không rõ ràng, chọn lập trung tâm tuyển dụng XKLĐ gần các doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu trong lĩnh vực này để lập lờ đánh lận con đen, cò mồi, vận động người lao động có nhu cầu XKLĐ đóng tiền qua trung gian hoặc các công ty môi giới không có chức năng XKLĐ, ký kết hợp đồng XKLĐ không bảo đảm, các chi tiết thoả thuận mơ hồ.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B, hiện nay phần lớn người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài là những người nông dân nghèo, trình độ hiểu biết còn hạn chế nên họ không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục. Thực tế cho thấy, số vụ lừa đảo không những đã tăng lên hàng năm mà diễn biến của nó cũng phức tạp hơn. Bên cạnh việc tuyển dụng lao động bất hợp pháp của một số cán bộ chi nhánh, trung tâm thuộc các doanh nghiệp đầu mối là sự xuất hiện nhiều doanh nghiệp “đen”. Sự nhẹ dạ, cả tin, tâm lý nôn nóng, muốn được đi làm ngay ở những nước có thu nhập cao… khiến người lao động rất dễ bị các đối tượng môi giới, cò mồi lợi dụng.
Ở một số địa phương, công tác quản lý hoạt động XKLĐ của cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc lừa đảo người lao động, khiến cho việc quản lý các doanh nghiệp này trở nên phức tạp. Để hạn chế vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra định kỳ, phát hiện các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật để xử lý theo pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần công bố thông tin một cách công khai, minh bạch về các điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương và chi phí đối với từng thị trường, chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các chi nhánh, trung tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH, người lao động cần tìm hiểu thông tin về các chương trình tuyển dụng XKLĐ, các chính sách, doanh nghiệp có đăng ký, được phép đưa lao động đi nước ngoài có thể liên hệ trực tiếp tới Cục qua đường dây nóng 04.38249517 hay tìm hiểu kỹ thông tin tại địa chỉ trang web www.dolab.gov.vn, nơi đăng tải thông tin về các thị trường XKLĐ và địa chỉ trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển dụng để người lao động lựa chọn công việc phù hợp ở nước ngoài, không qua môi giới, “cò mồi”, tránh tiền mất, tật mang.
(sblaw.vn theo anninhthudo)