Chi trả lương cho người lao động ngừng việc do phòng dịch Covid

Nội dung bài viết

Trả lời phỏng vấn kênh HTV, Đài truyền hình Hà Nội, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã giải đáp thắc mắc quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay về việc chi trả lương cho người lao động trong trường hợp phải ngừng làm việc để thực hiện phòng dịch như sau:

Câu hỏi: Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc chi trả lương cho người lao động do phải ngừng việc để thực hiện phòng dịch?

Trả lời:

Trong thời kỳ dịch bệnh Covid bùng phát, người lao động có thể phải ngừng việc do nhiều nguyên nhân khác nhau như người lao động phải thực hiện cách ly, công ty phải tạm ngừng hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội hoặc theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, …

Pháp luật hiện hành đã có những quy định mang tính dự đoán cho các trường hợp mà người lao động buộc phải ngừng việc tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019; ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng ban hành Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLDDTL ngày 25/3/2020 để hướng dẫn chi tiết việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid -19, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Công văn số 198/LĐLĐ ngày 30/3/2020 về việc hướng dẫn trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid -19 . Theo đó, việc trả lương cho người lao động phải ngừng việc trong thời kỳ Covid sẽ được thực hiện như sau:

Trường hợp 1: Nếu người lao động phải ngừng việc do lỗi chủ quan của người sử dụng lao động, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp 2: Nếu người lao động phải ngừng việc do chính lỗi của họ thì người đó không được trả lương, những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

Trường hợp 3: Nếu người lao động phải ngừng việc do nguyên nhân khách quan - tác động trực tiếp của của dịch Covid, mà có thể kể đến một số tình huống cụ thể như: (i) lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (ii) người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (iii) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Khi đó, tiền lương trong thời gian ngừng việc sẽ được hai bên thỏa thuận như sau:

- Nếu phải ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

- Nếu phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc: tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận, nhưng tiền lương 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Lao động2019. Trường hợp này phải được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 36 hoặc Điều 42 Bộ luật Lao động2019. Công đoàn tham gia xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động. Trong trường hợp này doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động, công đoàn cơ sở hướng dẫn người lao động hoàn thiện thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (nếu có).

Nguồn ảnh: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan