Chỉ làm BOT trên tuyến cao tốc mới

Nội dung bài viết

Trên website điện tử của Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa (Giám đốc công ty Luật SBLaw) đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên liên quan đến việc chỉ áp dụng hình thức đầu tư BOT cho các dự án cao tốc mới.

Bộ GTVT đã chủ động tiếp thu ý kiến của người dân, thay đổi cách làm BOT trước đây, dần dần xóa bỏ lợi ích nhóm và hiện tượng ” tay không bắt giặc” của một số nhà đầu tư.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định việc Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ tập trung theo hình thức BOT đối với các tuyến đường bộ cao tốc mới.

Bộ Giao thông Vận tải vừa cho biết sẽ chỉ tập trung đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) đối với các tuyến đường bộ cao tốc mới để người dân được quyền lựa chọn và áp dụng cơ chế thu phí theo chiều dài đoạn đường sử dụng để bảo đảm công bằng.

-Nhưng rõ ràng, chỉ dựa vào hành động này thôi thì chưa thể xoa dịu những bất bình của dự luận về BOT? Thưa ông?

Qủa đúng là như vậy. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta nên dừng hẳn những dự án BOT chỉ trải nhựa rồi thu tiền.

Hiện nay, có những dự án BOT hàng nghìn tỷ, lãi vay phải trả mỗi ngày lên đến tiền tỷ khiến chính người dân là người chịu thiệt và phải chi trả rất nhiều trong lộ trình đi của mình. Rõ ràng việc các dự án BOT chỉ dải thêm nhựa mà thu tiền đã gây nên một số bức xúc cho người dân.

Theo quan điểm của tôi, Bộ nên rà soát, nếu có những dự án như vậy, cần thẳng thắn đàm phán với nhà đầu tư, xem xét lại hợp đồng, tiến hành kiểm toán, dự án nào đã hoàn vốn và có lãi thì chấm dứt, dự án mới hoàn thành cần tiến hành áp dụng thu phí không dừng, tính lưu lượng xe chính xác để giảm phí và giảm thời gian của hơp đồng.

Việc thực hiện công trình BOT cần quan tâm đến quyền lợi của người dân, người dân được quyền lựa chọn khi đi lại; kiểm toán chặt chẽ mức đầu tư để có thu phí phù hợp…

Đây là những việc làm cần thiết, thể hiện sự dũng cảm của Bộ GTVT và khắc phục những hậu quả của thời kỳ trước.

-Chúng ta có nên chỉ ưu tiên áp dụng hình thức BOT tại các dự án đường cao tốc đầu tư mới?

Chính sách kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực, kết cấu hạ tầng dần được hoàn chỉnh, kết nối, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương, lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, nếu xuất phát từ nguyên tắc đảm bảo quyền tự do đi lại của công dân, thực hiện nguyên tắc ai hưởng người đó trả tiền và đảm bảo thuận tiện của giao thông đường bộ thì rõ ràng có những công trình và trạm thu phí BOT thời gian qua không đáp ứng nguyên tắc này.

Có những trạm thu phí BOT đặt ở con đường độc đạo buộc người dân và doanh nghiệp phải sử dụng, không có lựa chọn khác, dẫn đến nhiều bất cập dẫn đến bức xúc của người dân như: trạm thu phí đặt vị trí không đúng chỗ, các trạm không đảm bảo khoảng cách như quy định, đầu tư BOT trên tuyến độc đạo không có sự lựa chọn đi lại của người dân; giá thu phí không phù hợp với mức đầu tư, …

Do đó, việc thực hiện công trình BOT cần quan tâm đến quyền lợi của người dân, người dân được quyền lựa chọn khi đi lại; kiểm toán chặt chẽ mức đầu tư để có thu phí phù hợp, tránh thất thu cho ngân sách.

-Quốc tế giải quyết vấn đề này như thế nào? Chúng ta có thể học gì từ họ, thưa ông?

Theo kinh nghiệm chung của các nước về xác định nội dung tiêu chuẩn đánh giá lựa chọn nhà đầu tư trong các giai đoạn cho thấy sự thống nhất cơ bản chung như đáp ứng các tiêu chuẩn đánh gia năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, các tiêu chí chủ yếu được sử dụng bao gồm: kinh nghiệm thực hiện dự án tương tư, khu vực đia lý, đặc điểm kinh tế – xã hội, địa vị pháp lý, lịch sử thương hiệu của nhà đầu tư.

Với Việt Nam, để thực hiện các dự án BOT, chúng ta phải xác định rõ ràng và công khai một một số tiêu chí sau:

Tổng mức đầu tư xây dựng công trình; Thời gian khai thác, vận hành và chuyển giao công trình; Cơ cấu của doanh thu, chi phí bảo trì; Mức đóng góp và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, thời hạn hoàn vốn, kỳ thanh toán của khoản nợ để phù hợp với dòng tiền của dự án, giới thiệu về khả năng cấp vốn vay bằng đồng nội tệ, ngoại tệ để phù hợp với những khoản thu nhập bằng đồng nội tệ, ngoại tệ; Cơ chế, điều kiện thanh toán; Giá hàng hóa, phí dịch vụ do nhà đầu tư cung cấp; Phương thức quản lý, phân chia rủi ro, giới hạn trách nhiệm pháp lý, điều khoản về bồi thường và chấm dứt hợp đồng; Các khoản bảo lãnh, bảo hiểm; Các hình thức đề xuất tài trợ, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, bảo lãnh của chính phủ do nhà đầu tư yêu cầu.

-Vậy, về lâu dài, làm thế nào để đầu tư theo hình thức BOT có thể trở thành chìa khóa vàng trong phát triển cơ sở hạ tầng?

Việc đảm bảo thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư, chính sách ổn định ít thay đổi, cũng như tính toán cân đối mức phí hợp lý cho người dân là cơ sở nền tảng tạo sự bền vững cho các dự án BOT. Bên cạnh đó, Hợp đồng BOT giữa Nhà nước và nhà đầu tư phải quy định rõ trách nhiệm đảm bảo chất lượng công trình khi vận hành và khi bàn giao cho Nhà nước. Chỉ có quy định và giám sát thực hiện đúng quy định này mới tránh được tình trạng chất lượng công trình không đảm bảo nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn phải trả phí ở mức cao, tránh được tình trạng khi công trình bàn giao cho Nhà nước thì Nhà nước lại phải đầu tư rất lớn mới có thể tiếp tục sử dụng.

Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cần thiết, song vai trò giám sát của xã hội, của người dân với các hợp đồng PPP cũng không kém phần quan trọng. Việc công khai và minh bạch với số liệu đầy đủ và giải trình rõ từng công trình kết cấu hạ tầng theo hợp đồng PPP trên các phương tiện truyền thông là cơ sở để người dân thực hiện quyền giám sát của mình.

– Trân trọng cảm ơn ông!

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan