Chế tài xử phạt đối với hành vi phá hoại hoa màu

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Giải đáp pháp luật về vấn đề Chế tài xử phạt đối với hành vi phá hoại hoa màu. Dưới đây là nội dung chi tiết:

– MC: Qua phóng sự vừa rồi cũng như những vụ phá hoại hoa màu gần đây, Luật sư có đánh giá như thế nào về tình trạng này?

– Luật sư trả lời:

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp kẻ gian chặt phá vườn cây ăn trái, hoa màu của nông dân. Một điều đáng lên án là hầu hết các vụ phá hoại này, thủ phạm đều có chủ ý không cho chủ vườn khôi phục lại được diện tích đã bị chặt phá, chính vì vậy, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Việc chặt cây, phá hoại cây cối, hoa màu thường xảy ra trong những vụ án có tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc do thù tức, mâu thuẫn, … Việc chặt, phá cây có thể thực hiện một cách công khai hoặc lén lút. Nhưng cho dù bất cứ nguyên nhân mâu thuẫn là gì, bất cứ hình thức chặt phá cây là công khai hay lén lút thì hành vi phá hoại cây cối của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Thường thì các vụ này không tìm được thủ phạm, nếu tìm được cũng chỉ xử lý hành chính, rất ít khi bị khởi tố, xử lý về hình sự trong khi các vụ việc tương tự cứ tái diễn ngày càng nghiêm trọng. Vấn nạn này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây tâm lý bất an cho người dân.

– MC: Thực tế cho thấy, hành vi phá hoại hoa màu không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người nông dân mà còn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực nông thôn. Chắc chắn những vụ việc này sẽ gây lo ngại không nhỏ cho những hoạt động đầu tư nông nghiệp sau đó. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào ạ? Và liệu hành vi cố ý phá hoại hoa màu có phải thể hiện cho sự thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật không ạ?

– Luật sư trả lời:

Có thể nói hành vi phá hoại hoa màu không chỉ đơn giản là gây thiệt hại nhỏ về vật chất mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người người dân, nhất là gây mất an ninh trật tự khu vực nông thôn.

Do đó, các cơ quan chức năng không nên coi đây là chuyện nhỏ, phá hoại vặt mà bỏ qua, không xử lý đến nơi đến chốn sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo lực lượng dân quân, công an xã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tăng cường tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền, vận động bà con chủ động tố giác tội phạm, đề cao cảnh giác, có biện pháp thích hợp để bảo vệ hoa màu nhà mình. Đặc biệt là cảnh báo người dân về hậu quả của hành vi phá hoại tài sản của người khác sẽ bị xử lý với các hình phạt nghiêm khắc.

– MC: Vâng, thưa luật sư! Qua những hình ảnh vừa rồi, theo Luật sư, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá hoại hoa màu?

– Luật sư trả lời:

Nguyên nhân của tình trạng trên thường xuất phát từ các mâu thuẫn trong quan hệ xã hội, tranh chấp đất đai hàng xóm xích mích nhau rồi ra tay phá hoại để thỏa mãn cơn giận, cũng có khi do ganh ghét thấy người ta trồng cây có hiệu quả nên đố kỵ, …

Có người sau khi bị khởi tố hình sự, mới hoảng sợ đến năn nỉ xin bị hại làm đơn bãi nại để không bị vào chốn lao tù. Nhưng quá muộn, họ phải trả giá cho hành vi hẹp hòi, sai trái của mình.

– MC: Như vậy, pháp luật quy định như thế nào về hành vi phá hoại hoa màu?

– Luật sư trả lời:

Cây cối, hoa màu cũng là tài sản theo quy định pháp luật. Pháp luật có những quy định, chế tài để bảo vệ quyền sở hữu tài sản đó.

Tùy theo mức độ mà hành vi hủy hoại hoa màu có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Thứ nhất, xử lý hành chính:

Nếu tài sản bị hư hỏng có tổng giá trị tính ra tiền dưới 2 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính và bồi thường khoản tiền tương ứng với thiệt hại xảy ra.

Cụ thể, Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;

c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản; …”.

Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự:

Nếu tài sản bị hủy hoại, bị làm hư hỏng trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì người có hành vi cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cụ thể:

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

– MC: Tôi thấy một số vụ việc là vật nuôi phá hoại hoa màu, vậy người chủ của vật nuôi này liệu có phải chịu trách nhiệm?

– Luật sư trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đầy đủ các căn cứ được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015 về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra:

“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

Như vậy, chủ sở hữu của vật nuôi gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường này.

Bên cạnh đó, với việc để vật nuôi gây thiệt hại cho tài sản của người khác, bạn còn có thể bị xử phạt hành chính. Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP như sau:

“2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

b) Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;

d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;

đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;

e) Đđộng vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác;

g) Thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời”;

h) Sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở các bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác”.

– MC: Vậy để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần làm gì? Luật sư có những khuyến cáo gì đối với người nông dân?

– Luật sư trả lời:

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trên, thiết nghĩ, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo lực lượng dân quân, công an xã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tăng cường tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền, vận động bà con chủ động tố giác tội phạm, đề cao cảnh giác, có biện pháp thích hợp để bảo vệ hoa màu nhà mình. Đặc biệt là cảnh báo người dân về hậu quả của hành vi phá hoại tài sản của người khác sẽ bị xử lý với các hình phạt nghiêm khắc.

Người dân khi bị kẻ gian hủy hoại hoa màu, thì có hai cách để giải quyết như sau:

Một là, hai bên tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vấn đề (trong trường hợp biết ai là người hủy hoại). Nếu không thỏa thuận được, thì có thể gửi đơn kiện đến Tòa án để giải quyết. Trong trường hợp này, khi khởi kiện người dân cần phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình và nếu không đưa ra hoặc đưa ra không đủ thì phải chịu hậu quả.

Hai là, trong trường hợp biết ai là người hủy hoại, người dân nên ngay lập tức thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, để cơ quan này xem xét, điều tra, xử lý đối tượng có hành vi hủy hoại theo quy định của pháp luật.

4/5 (1 Review)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan