Chế tài với phòng khám bệnh không có giấy phép

Nội dung bài viết

Hiện tại xuất hiện càng nhiều các phòng khám chữa bệnh nhưng không có giấy phép của nhà nước. Mới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã trả lời kênh VOVTV về chế tài với phòng khám bệnh không có giấy phép. Dưới đây là nội dung chi tiết của buổi phỏng vấn:

Câu 1: Thưa ông, hiện nay các phòng khám vì lợi nhuận mà cố tình hoạt động khám chữa bệnh dù chưa được phép. Vậy ông có thể cho biết, mức xử phạt với sai phạm trên là như thế nào? Khác thế nào với việc khám chữa bệnh nằm ngoài giấy phép quy định. 

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, một trong những hành vi bị cấm là cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động. Đối với hành vi này, mức xử phạt được quy định như sau:

Thứ nhất, về xử phạt hành chính:

Căn cứ theo Khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP) đối với việc vi phạm hành vi cấm trong khám chữa bệnh sẽ bao gồm hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động khám chữa bệnh chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh.

Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm trên theo quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Lưu ý: Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

Như vậy, Cơ sở hoạt động không có giấy phép khám, chữa bệnh sẽ bị xử lý vi phạm hành chính phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn có hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Căn cứ quy định Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác như sau:

  1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

...

  1. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu chủ cơ sở vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác có thể bị phạt từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động và hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động đều là 02 hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Tuy nhiên 02 hành vi này là khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Khám chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được quy định trong giấy phép hoạt động: Đây là việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong giấy phép có quy định cụ thể về phạm vi hoạt động chuyên môn. Nhưng cơ sở đã thực hiện các hành vi khám chữa bệnh vượt quá phạm vi quy định trong giấy phép.
  • Hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động: Đây là việc một cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi khám chữa bệnh mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc không tuân theo quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện dịch vụ y tế. Hành vi này có thể dẫn đến việc vi phạm quy định về hợp pháp hóa và quản lý y tế, gây hại cho sức khỏe của người bệnh.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời vấn đề chế tài phòng khám không có giấy phép
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời vấn đề chế tài phòng khám không có giấy phép

Câu 2: Trách nhiệm của chính quyền trong việc phát hiện xử lý các phòng khám hoạt động không phép được quy định cụ thể ra sao? Nếu có sự chậm trễ để vi phạm tồn tại mà không xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố thì lực lượng chức năng có chịu hình thức kỷ luật nào không?

Trả lời:

Để có thể quản lý cũng như sớm phát hiện những sai phạm thì chính quyền có trách nhiệm phải thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ để đảm bảo rằng các phòng khám tuân thủ các quy định và có giấy phép hợp lệ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên khắp các địa bàn.

Khi phát hiện các phòng khám hoạt động không phép hoặc vi phạm quy định y tế, chính quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý, bao gồm yêu cầu ngừng hoạt động, xử phạt, thu hồi giấy phép, và trong một số trường hợp nghiêm trọng, khởi tố hình sự.

Lực lượng chức năng có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật hoặc biện pháp khác nếu có sự chậm trễ hoặc thiếu hiệu quả trong việc xử lý các vi phạm tồn tại như:

  • Bị kỷ luật nội bộ, các cá nhân trong lực lượng đó có thể phải chịu kỷ luật nội bộ từ cơ quan quản lý hoặc cơ quan có thẩm quyền. Điều này có thể bao gồm việc buộc thôi việc, giảm lương, điều chuyển công việc, hoặc một loạt các biện pháp kỷ luật khác.
  • Chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp sự chậm trễ hoặc không xử lý kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, các cá nhân trong lực lượng đó có thể phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý, bao gồm khả năng bị truy cứu trước tòa án hoặc chịu trách nhiệm về các thiệt hại gây ra tuỳ theo mức độ vi phạm.
  • Ngoài ra, cũng có thể phải chịu sự phê bình công khai từ phía cơ quan quản lý hoặc từ dư luận, đặc biệt nếu sự chậm trễ hoặc không xử lý kịp thời ảnh hưởng đến sự an toàn hoặc sức khỏe của cộng đồng.
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan