Chế tài nào cho các website đa cấp biến tướng?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài phỏng vấn liên quan đến các hệ thống, website “đầu tư tài chính” với hình thức đa cấp biến tướng. SB Law trân trọng gửi đến bạn độc toàn văn bài phỏng vấn như sau:

  1. Thưa ông, việc các hệ thống nạp tiền thật đổi thành tiền ảo kết hợp với hình thức đa cấp biến tướng thông qua nền tảng trực tuyến như báo cáo của Bộ Công an sẽ được phân tích như nào qua góc nhìn của pháp luật?

Trả lời:

Hiện nay, có không ít các website tự xưng là “sàn đầu tư tài chính” để lôi kéo các nhà đầu tư tham gia, nạp tiền với cam kết sẽ thu về lợi nhuận “khủng”. Webshopping.cc hay shop555.cc là hai ví dụ trong số rất nhiều các website, ứng dụng khác có hoạt động tương tự. Cơ chế hoạt động của các trang này thường theo hình thức đa cấp, tức sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng khi giới thiệu thành công người tham gia mới. Tuy nhiên, số tiền thưởng lại là tiền “ảo” – loại tiền không được pháp luật thừa nhận là tài sản, không có khả năng giao dịch trên thực tế. Và sau một thời gian, các website này sẽ tự sập khiến nhà đầu tư mất toàn bộ số vốn ban đầu.

Dưới góc độ pháp lý, đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, bất kể là online hay kinh doanh truyền thống, đều phải đăng ký với cơ quan Nhà nước, tuân thủ các quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ – CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, Khoản 1 Điều 4 Nghị định này quy định: “Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định “hàng hóa” bao gồm:

  • Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
  • Những vật gắn liền với đất đai.

Như vậy, tiền “ảo” hay hoạt động “tranh” đơn hàng ảo đều không thể coi là hàng hóa theo pháp luật hiện hành nên việc các website này hoạt động đã là vi phạm điều cấm của luật.

Theo đó, những đối tượng đứng đằng sau các website này có thể bị khởi tố hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015) cùng các tình tiết tăng nặng như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, số tiền chiếm đoạt lớn, … Mức hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân và còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh đó, hành vi này cũng có thể bị khởi tố với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015). Mức phạt cao nhất cho tội danh này là 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

  1. Với những người tham gia vào hệ thống này, khi hệ thống sập tức người tham gia mất hết tiền, liệu có được pháp luật bảo vệ?

Trả lời:

Hiện tại, pháp luật vẫn có cơ chế để bảo vệ quyền lợi của người tham gia như buộc bên thành lập, quản lý trang web bồi thường thiệt hại cho người tham gia. Tuy nhiên, để thực hiện được trên thực tế thì gặp không ít khó khăn mà khó khăn đầu tiên nằm ở việc xác minh thông tin của bên vi phạm pháp luật do các website này không đăng ký với cơ quan Nhà nước, cũng không thành lập doanh nghiệp, không đăng ký giấy phép. Cùng với đó, chỉ khi những hệ thống này sập, không còn tìm thấy thì người dân mới báo cáo với cơ quan chức năng. Lúc này, việc xác minh sẽ trở nên khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn.

Bên cạnh đó, kể cả khi đã tìm ra những người đứng đằng sau hệ thống này thì quá trình để đưa tiền bồi thường về đến khách hàng cũng tốn nhiều thời gian, công sức và chưa chắc đã có thể lấy lại được.

Do vậy, các nhà đầu tư hãy cẩn trọng, tỉnh táo trước khi tham gia vào bất kỳ hoạt động đầu tư nào để không rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.

  1. Theo ông tại sao họ lại tham gia vào hệ thống này và tại sao những hệ thống nghe rất phi lý này lại thu hút nhiều người tham gia?

Trả lời:

Việc tham gia vào những hệ thống này xuất phát từ tâm lý muốn làm giàu nhanh của không ít người dân. Ngoài ra, không phải ai cũng được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như tiếp cận với những tin tức cảnh báo để có thể nhận ra điểm vô lý và tỉnh táo trước những lời chào mời tham gia hệ thống. Với những người mà có vốn kiến thức hạn hẹp về tài chính nói chung và tiền ảo, tiền điện tử nói riêng lại dễ bị lung lay theo tâm lý đám đông thì khả năng cao sẽ trở thành “nạn nhân” của những hệ thống này.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan