Chế tài đối với hành vi quảng cáo gian dối

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW trả lời truyền hình ANTV về vấn đề quảng cáo gian dối.

Sau đây là nội dung trả lời phỏng vấn:

Câu hỏi: Hiện nay có rất nhiều các sản phẩm tiêu dùng, từ đồ gia dụng như nồi cơm điện, máy lọc không khí, đến các sản phẩm thực phẩm chức năng,thuốc đang có hiện tượng quảng cáo quá công dụng, nói vống chất lượng so với thực tế sử dụng nhưng lại thu hút được rất nhiều người tiêu dùng mua.

Vậy thưa luật sư khi quảng cáo nói quá lên công dụng sản phẩm thì trường hợp này đã vi phạm Luật, Điều luật gì và có những mức xử phạt cụ thể ra sao?

Luật sư trả lời:

Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó bao gồm hành vi:

“[…] Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”

Như vậy, khi quảng cáo nói quá lên công dụng sản phẩm thì trường hợp này đã vi phạm Luật Quảng cáo và hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) thì hành vi “nói quá” lên trong lĩnh vực quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có trách nhiệm phải tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai.

Thứ hai, về truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung 2017) quy định về Tội quảng cáo gian dối như sau:

Điều 197. Tội quảng cáo gian dối

  1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, đối tượng có hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì tùy vào mức độ mà mức phạt có thể bị áp dụng là:

- Bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan