Gian lận, trục lợi trong bảo hiểm xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu hiểu biết pháp luật, kẽ hở pháp lý… Để giải quyết được thực trạng này, các chuyên gia lưu ý việc quan trọng cần phải tăng cường phổ biến pháp luật, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong bảo hiểm. Bài viết này có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW. Mời quý khách theo dõi.
Nhiều vụ trục lợi bảo hiểm bị khởi tố, xử lý hình sự
Mới đây, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải Quân vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo liên quan đến 19 hợp đồng bảo hiểm gian lận nhằm chiếm đoạt tiền bồi thường. Tổng số tiền dự kiến chiếm đoạt (nếu trót lọt) khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Cụ thể, bị cáo Vũ Thị Ngọc Hà cựu tư vấn viên của bảo hiểm Aviva Việt Nam (nay là MVI Life) sinh năm 1987 tại Hải Phòng, chịu mức án 10 năm tù; Nguyễn Văn Khánh (người được bảo hiểm) sinh năm 1987, tại Hải Phòng chịu mức án 7 năm tù; Phan Thị Trang (vợ Khánh) sinh năm 1987, chịu 3 năm án treo. Cả ba bị cáo nêu trên đều bị Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 174 - Bộ Luật hình sự.
Còn lại, bị cáo Lê Đức Phong, sinh năm 1990 tại Bình Lục, Hà Nam, cựu Trưởng phòng kinh doanh bảo hiểm của công ty Bảo hiểm Bảo Việt, bị tuyên 2 năm án treo.
Trước đó, tháng 7/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong gian lận bảo hiểm y tế để trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã bắt giữ 5 đối tượng liên quan.
Cơ quan Công an xác định Lê Thị Hà An (sinh 1989), trú tại Tp.Vinh, Nghệ An và một số đối tượng khác đã móc nối với Nguyễn Quốc Việt (sinh 1984) trú tại thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An là Kỹ thuật viên chụp X-Quang của Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ, làm giả các hồ sơ bệnh án bị gãy xương cho những người có nhu cầu làm hồ sơ bệnh án để đề nghị chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ.
Sau đó các đối tượng chuyển cho những người có nhu cầu làm hồ sơ để thanh toán bảo hiểm với số tiền từ 300 triệu đến 400 triệu/01 bộ hồ sơ bệnh án. Mỗi trường hợp được chi trả, các đối tượng hưởng lợi từ 100 triệu đến 200 triệu đồng.
Bước đầu làm rõ, các đối tượng đã lập khống hàng trăm bộ hồ sơ bệnh án để chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhân thọ và trục lợi bảo hiểm y tế tổng số tiền rất lớn khoảng 10 tỷ đồng
Theo đại diện một DN bảo hiểm phi nhân thọ, thực trạng trục lợi bảo hiểm diễn ra ở tất cả các nghiệp vụ. Với bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm nhân thọ người tham gia tận dụng hạn mức chi trả theo Giấy chứng nhận bảo hiểm, bằng một cách nào đó họ lấy được các chứng từ y tế, xác nhận bệnh án để hưởng quyền lợi. Còn với các nghiệp vụ bảo hiểm ô tô, nhiều trường hợp xảy ra tai nạn, mới đi mua bảo hiểm.
Trục lợi bảo hiểm đến từ tất cả các nghiệp vụ
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, trong lĩnh vực bảo hiểm tàu cá, nhà nước có các chính sách hỗ trợ để người dân ra khơi bám biển. Nhưng nhiều trường hợp, có thể làm ăn không thuận lợi, chủ tàu gian lận bảo hiểm bằng cách chuyển hết máy móc, ngư cụ sang một tàu cá khác. Sau đó cho đánh đắm toàn bộ xác tàu và yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Nguyên nhân của thực trạng nêu trên, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty Luật SBLAW, đầu tiên phải kể đến đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Một bộ phận người tham gia bảo hiểm có thể chưa nắm rõ quy định về nghĩa vụ kê khai trung thực và hậu quả pháp lý của việc cung cấp thông tin sai lệch. Họ có thể cho rằng hành vi không kê khai đầy đủ hoặc gian dối là “vô hại” hoặc không nhận thức được rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, do tâm lý muốn trục lợi và mang lại lợi ích cho bản thân vì trục lợi bảo hiểm mang lại lợi ích tài chính nhanh chóng và đáng kể, đặc biệt trong các trường hợp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, hay bảo hiểm tài sản có giá trị lớn. Chính động cơ tài chính mạnh mẽ khiến một số cá nhân hoặc tổ chức bất chấp hậu quả pháp lý.
“Và từ đó một số người có tâm lý muốn “lách luật” hoặc nghĩ rằng có thể lợi dụng các kẽ hở trong hợp đồng bảo hiểm để trục lợi, họ tin rằng cơ quan bảo hiểm sẽ không đủ chứng cứ để xử lý vi phạm của họ”, Luật sư Hà nói thêm.
Luật chặt chẽ, thị trường bảo hiểm sẽ tốt hơn
Để giải quyết vấn nạn trục lợi bảo hiểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, việc quan trọng đầu tiên cần tăng cường phổ biến pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo hiểm để người dân hiểu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, cũng như hậu quả của hành vi trục lợi bảo hiểm.
Các công ty bảo hiểm và cơ quan nhà nước cần tổ chức các chương trình truyền thông, hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia.
Kế đến, cải thiện công nghệ và hệ thống kiểm tra thông tin bằng việc đầu tư và áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và các giải pháp kỹ thuật số để phát hiện nhanh chóng các dấu hiệu trục lợi bảo hiểm. Các cơ quan bảo hiểm có thể liên kết dữ liệu với các tổ chức y tế, bệnh viện, ngân hàng để xác minh chính xác thông tin sức khỏe và tài sản của người tham gia.
Tiếp theo là công tác tăng cường thanh tra và kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm, đặc biệt đối với các sản phẩm bảo hiểm có nguy cơ trục lợi cao. Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe.
Cùng với đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan, từ cơ quan chức năng đến doanh nghiệp bảo hiểm và người dân, là yếu tố quan trọng để hạn chế vấn nạn này.
“Cần có một hệ thống giải pháp toàn diện từ việc củng cố pháp luật, tăng cường năng lực giám sát, nâng cao nhận thức cộng đồng cho đến việc tạo ra các cơ chế khuyến khích hành vi trung thực”, Luật sư Hà nêu quan điểm.
Luật pháp về bảo hiểm đã đầy đủ, chặt chẽ sẽ giúp thị trường phát triển bền vững
Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, trục lợi bảo hiểm đến từ nhiều phía, kể cả các quốc gia phát triển hiện nay trên thế giới vẫn đang tồn tại, vì vậy mà cơ quan quản lý nhà nước cũng đã và đang triển khai những giải pháp, có chế tài để xử lý, hạn chế việc này.
Hiện, quy định của pháp luật xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm đã rất chặt chẽ, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là tội hình sự, trước đây chỉ xử lý dân sự theo quan hệ hợp đồng. Nay hình sự hoá hành vi gian lận bảo hiểm từ năm 2015 trong Bộ Luật hình sự, rất nghiêm minh.
Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia của Việt Nam còn chưa được đồng bộ, cơ sở dữ liệu dân cư chưa gắn được với dữ liệu y tế, đây cũng là lỗ hổng cho việc trục lợi bảo hiểm.
Bên cạnh đó, vị đại diện cũng lưu ý các doanh nghiệp bảo hiểm cần có quy trình thẩm định, cấp hợp đồng, giám sát chặt chẽ, sớm phát hiện các trường hợp có dấu hiệu trục lợi và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
“Quy định của pháp luật đã đầy đủ, nhưng từ quy định đến việc người dân tuân thủ là cả một quãng đường dài, thị trường bảo hiểm không thể đốt cháy giai đoạn được. Đất nước phát triển, dân trí dần được nâng cao, nhận thức chung của toàn xã hội về bảo hiểm chắc chắn tốt hơn”, đại diện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm khẳng định.
|