Trong bài "Chặn nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người” đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Hàng loạt doanh nghiệp FDI “vắng chủ” mà đỉnh điểm là trường hợp Công ty KL Texwell Vina đang cảnh báo về hoạt động quản lý hậu cấp phép.
Câu chuyện doanh nghiệp FDI “vắng chủ” đã bắt đầu xuất hiện cách đây cả chục năm, nhưng câu chuyện doanh nghiệp với 100% vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn như Công ty KL Texwell Vina tại Đồng Nai ngay trước thềm dịp Tết Nguyên đán đe doạ đến đời sống của gần 2 nghìn công nhân và để lại khoản nợ BHXH và nợ lương công nhân tháng 1/2018 lên tới khoảng 30 tỷ thì là lần đầu tiên.
Cơ quan quản lý lúng túng
Điểm chung của các dự án FDI khi nhà đầu tư bỏ trốn đó là các cơ quan quản lý lại lúng túng trong việc xử lý hậu quả. Ngay cả trường hợp của Công ty KL Texwell Vina này cũng vậy. Điều này được thể hiện bằng việc “cầu cứu” Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, Thái Bình, Bình Dương… nơi đã xảy ra các trường hợp dự án “vắng chủ”. Sự lúng túng được các Sở này lý giải là do nằm ở quy định pháp lý nên “gà vẫn mắc tóc”.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Công ty Luật SBLAW phân tích: Sau khi Luật Đầu tư 2014 ra đời, cơ sở pháp lý cho việc xử lý các dự án FDI vắng chủ đã có, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại chưa thể giải quyết được, như chủ đầu tư bỏ về nước không liên lạc được, tài sản chưa xử lý xong, nợ tiền lương người lao động, nợ tiền thuế, bảo hiểm xã hội...
Cũng theo Luật sư Thanh Hà, theo Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và các nghĩa vụ khác. Như vậy khi doanh nghiệp FDI vắng chủ có nghĩa là doanh nghiệp đã triển khai hoạt động, đã phát sinh các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác nên không đáp ứng điều kiện để thực hiện giải thể.
Hoàn thiện khung pháp lý
Đề xuất một trong những phương án nhằm hạn chế những trường hợp doanh nghiệp FDI bỏ trốn đột ngột, Luật sư Thanh Hà cho biết, cần tập trung vào hậu kiểm hơn tiền kiểm. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn định kỳ cung cấp thông tin về doanh nghiệp để thiết lập lịch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân loại rõ ràng theo các nhóm như: đang xây dựng, đang hoạt động tốt như nộp thuế, có nhiều lao động, có báo cáo định kỳ... loại có vấn đề cần quan tâm như nợ thuế, chậm lương.... “Cần theo sát hoạt động của các loại doanh nghiệp này” - ông Hà nhấn mạnh.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng, khi Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, nghĩa là các điều khoản liên quan đến cam kết về việc bảo vệ quyền lợi của người lao động được bảo vệ cao nhất. Ví dụ như là hình thành công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi công nhân.
Điều này một nữa cho thấy tính cấp thiết của việc phải hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động quản lý đầu tư FDI nói riêng và cũng là cam kết khi thực hiện các FTA quốc tế của Việt Nam nói chung.
Nguồn: http://enternews.vn/chan-nha-dau-tu-bo-cua-chay-lay-nguoi-125922.html