Chậm trễ trong việc quản lý hoạt động bitcoin tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề: Chậm trễ trong việc quản lý hoạt động bitcoin tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1/ Thưa luật sư Hà, ông đã từng đến với chương trình Góc nhìn Vnews để nói về câu chuyện bitcoin vào tháng 11/2017, tôi nhớ khi đó giá của bitcoin là khoảng quanh mốc 8.000 USD, cũng là rất nóng rồi. Nhưng sau đó, giá còn tăng chóng mặt. Bitcoin đã trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm, thế nhưng, các nhà quản lý của chúng ta dường như vẫn chưa có động thái gì để quản lý nó. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Luật sư trả lời:

Chuyện nhà đầu tư giàu lên nhờ Bitcoin là có thật bởi thị trường tiền ảo này rất sôi động và trong năm 2017 giá Bitcoin đã tăng 15 lần. Vấn đề là chúng ta có kiểm soát được Bitcoin hay không? Tới đây, liệu người sử dụng Bitcoin có thể bị bắt không?

Hiện Bitcoin vẫn chưa có quy định rõ ràng, câu hỏi rằng: Bitcoin là tiền hay hàng hóa hữu hình, vô hình vẫn còn để ngỏ.

Trong khi đó, trên thực tế hàng trăm ngàn người vẫn đang “chơi” Bitcoin và nguy cơ thiệt hại từ đồng tiền mã hóa này là hoàn toàn có thể.

Tiền ảo có nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều nguy cơ, vấn đề quan trọng là chúng ta nên tìm cách hạn chế nguy cơ. Do đó, thiết nghĩ chúng ta cũng nên nhìn nhận rõ ràng hơn về tiền ảo và sớm có biện pháp quản lý chứ hoàn toàn không nên bỏ lơ nó được.

2/ Các nhà quản lý có thông tin rằng là sẽ phải có lộ trình để nghiên cứu và đưa ra phương án quản lý. Nhưng trong bối cảnh thế giới chuyển động như thế này, 2 năm nữa, khi chúng ta hoàn thành được phương án quản lý, liệu phương án đó có bị lạc hậu không ạ?

Luật sư trả lời:

Trước sự ảnh hưởng ngày càng lớn của tiền ảo, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử.

Theo Đề án, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp cùng một số Bộ, ban ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử cho phù hợp.

Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6/2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.

Thiết nghĩ, phía cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý để kịp thời quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử cho phù hợp. Đồng thời, người dân cần thận trọng khi tham gia đầu tư, giao dịch này.

3/ Thưa ông Hà, xét về góc độ luật pháp, khi những sàn giao dịch bitcoin như thế này đóng cửa, nhà đầu tư trong nước có được bảo vệ gì ko?

Luật sư trả lời:

Giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đối tượng điều hành hệ thống có thể đánh sập hệ thống, xóa dữ liệu về người đầu tư và biến mất cùng số tiền chiếm đoạt được bất cứ lúc nào.

Có thể dễ dàng nhận thấy, sức hút của Bitcoin đến từ việc giá tăng quá nhanh và có một số nước đã cho phép chuyển đổi Bitcoin qua tiền mặt. Nhưng thực tế, đồng tiền này không được bảo chứng bởi một quốc gia nào hay hàng hóa nào và chỉ giao dịch ở các sàn Bitcoin trên thế giới. Dù có một số nước hợp thức hóa Bitcoin nhưng cũng chỉ công nhận đồng tiền giao dịch chứ không phải tiền tệ thật sự như các loại đồng tiền khác do đó giới giao dịch Bitcoin thường gặp những rủi ro nhất định khi giao dịch qua internet.

Thiết nghĩ, người dân không nên tham gia giao dịch, thanh toán tiền ảo trên mạng Internet không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm. Người tham gia giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách khi giao dịch với tội phạm.

4/ Vậy có nghĩa là họ cứ giao dịch tự phát, và nếu thiệt hại thì họ phải tự chấp nhận?

Luật sư trả lời:

Đúng là như vậy.

5/ Như clip chúng ta vừa xem, ngay cả các nước trên thế giới thì thị trường giao dịch bitcoin cũng chưa hoàn thiện. Vậy ở Việt Nam, ngoài việc chúng ta thiếu 1 cơ chế quản lý, thì cùng với đó thiếu 1 thị trường minh bạch. Ông nghĩ sao về hệ lụy này?

Luật sư trả lời:

Về bản chất các đồng tiền ảo chỉ là một sản phẩm ảo mặc định từ thuật toán phức tạp, khó thấy, khó hiểu và khó kiểm chứng, do cá nhân tạo ra và bị lạm dụng biến thành đối tượng kinh doanh “hàng ảo” thuần túy trên mạng. Các đồng tiền ảo không được Nhà nước phát hành và bảo hộ giá trị, không nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ hay Ngân hàng Trung ương, lại càng không thể đóng vai trò thước đo giá trị, phương tiện thanh toán, dự trữ, lưu thông như một đồng tiền quốc gia chính thức.

Mấu chốt là ở chỗ: đồng tiền ảo không được đảm bảo bằng vàng hay nói cách khác nó không có giá trị từ sản xuất và dựa trên một tiêu chuẩn vật chất nào. Việc tăng giá, hay giảm giá một đồng tiền ảo hoàn toàn có thể tạo ra bởi các nhóm tài phiệt hoặc nhóm hacker nên giá trị đồng tiền hoàn toàn có thể bị “bóp méo”. Thực tế đã cho thấy, cộng đồng đào Bitcoin đã chứng kiến không ít người mất toàn bộ số tiền đầu tư lên đến trăm triệu đồng khi sàn giao dịch tiền ảo bị sập.

Do không tuân theo các quy luật khách quan và không chịu ảnh hưởng từ thị trường thực tế nên số lượng nhà đầu tư bị thua lỗ do đầu cơ, mua bán tiền “ảo” luôn chiếm đa số. Hơn nữa, khả năng mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư có thể xảy ra nếu sàn giao dịch bị đánh sập, lúc này, việc đòi lại tài sản đã đầu tư là rất khó.

Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện thì các hoạt động trao đổi, thanh toán bằng Bitcoin không được xem là hợp pháp. Khi đó, nếu có các tranh chấp phát sinh thì có thể không được thừa nhận nếu xem đó là một phương tiện thanh toán. Trong trường hợp khác, xem nó là một loại hàng hóa trao đổi thì đây là loại tài sản ảo, loại hàng hóa trao đổi không bị cấm do đó lại là chuyện khác và có thể phải chấp nhận nó. Do đó, khi thực hiện các giao dịch liên quan đến các vấn đề chưa được đảm bảo pháp lý ở Việt Nam, các cá nhân, tổ chức cũng cần cẩn trọng để tránh những rủi ro không đáng có cho mình.

6/ Lộ trình xây dựng chế tài quản lý đã có, điều này khó có thể thay đổi. Vậy theo ông, có 1 cách nào khác để chúng ta tạm thời có sự quản lý về giao dịch bitcoin được hay ko?

Luật sư trả lời:

Do tiền ảo có thể trở thành phương tiện để lừa đảo với cộng đồng dân cư, nên giải pháp theo tôi là phải hướng dẫn cộng đồng dân cư đầu tư tiền của mình vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vào đầu tư thực, đem lại năng suất lao động cao hơn, đem lại tài sản lớn hơn cho xã hội cũng như sức sản xuất mới cho nền kinh tế thay vì đầu tư vào tiền ảo đầy rủi ro. Từ đó có thể mất sạch vốn ban đầu cũng như tạo ra những hệ lụy nhất định với kinh tế - xã hội.

Thêm nữa, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các công ty, các cá nhân lôi kéo các nhà đầu tư mua tiền ảo, tổ chức các sàn giao dịch tiền ảo. Các hoạt động này thực chất là vi phạm các luật về tài chính, ngân hàng của Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát trên mạng xã hội, từ đó có các biện pháp quản lý, các chế tài nghiêm khắc với các đối tượng cố tình lôi kéo người dân nhẹ dạ cả tin đầu tư tài sản, tiền vốn vào tiền ảo.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan