Chậm hoàn thuế VAT và những hệ lụy cho doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tich Công ty luật SB Law đã trả lời phỏng vấn về vấn đề chậm hoàn thuế tại Việt Nam cho kênh tài chính kinh doanh VITV.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Trung bình mỗi năm, Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ hoàn thuế khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Hiện nhiều DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh đầu vào. Đặt trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, việc chậm hoàn thuế sẽ tác động như thế nào đến các DN?

Trả lời:

Đầu tiên, tác động trực tiếp là gây ra khó khăn về tài chính. Khi doanh nghiệp không nhận được số tiền thuế hoàn trả kịp thời, dòng tiền trong doanh nghiệp bị giảm, gây rối loạn trong việc quản lý và chi tiêu. Doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong thanh toán những khoản nợ phải trả, tiếp tục đầu tư vào mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cản trở sự phát triển và đa dạng hóa kinh doanh.

Thứ hai, việc chậm hoàn thuế có thể làm tăng gánh nặng lãi suất. Để đáp ứng nhu cầu tài chính ngắn hạn, doanh nghiệp có thể buộc phải vay tiền từ các nguồn tài chính bên ngoài, chịu thêm chi phí lãi suất. Điều này không chỉ làm tăng chi phí hoạt động mà còn làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất kinh doanh.

Thứ ba, tình trạng chậm hoàn thuế có thể ảnh hưởng đến lòng tin của đối tác, nhà cung cấp và khách hàng. Các doanh nghiệp chậm hoàn thuế có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ đáng tin cậy với các đối tác kinh doanh, dẫn đến sự mất mát cơ hội hợp tác và hợp đồng mới.

Bên cạnh đó, tác động dài hạn làm giảm uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chậm hoàn thuế có thể bị xem là không đáng tin cậy và không tuân thủ các quy định về thuế, dẫn đến việc mất đi lòng tin của khách hàng và cộng đồng. Điều này có thể gây tổn thương đáng kể về hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp.

Như vậy, việc chậm hoàn thuế không chỉ ảnh hưởng ngay lập tức đến tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn có tác động tiêu cực đến danh tiếng và uy tín dài hạn. Do đó, quản lý thuế và đảm bảo việc hoàn thuế kịp thời là một yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

SB Law trả lời phỏng vấn về vấn đề chậm hoàn thuế
SB Law trả lời phỏng vấn về vấn đề chậm hoàn thuế

Khó khăn của doanh nghiệp đã thấy rõ, nhưng việc lợi dụng trục lợi tiền thuế là một thực tế đáng lo ngại. Ở phía các cơ quan quản lý nhà nước về thuế, họ cũng phải thận trọng về vấn đề này. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Trả lời:

Thứ nhất, hiện nay, có một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao, tham gia hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), chiếm đoạt tiền thuế VAT, kê khai khống chi phí được trừ, nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung cấp các dịch vụ công và gây thiệt hại cho nguồn lực quốc gia. Bên cạnh đó cũng gây ra thiệt hại kinh tế bởi vì tiền thuế bị trốn tránh không thể sử dụng cho các dự án phát triển và các chính sách kinh tế khác, như vậy sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và phát triển của đất nước. Điều này tác động trực tiếp đến các dự án xã hội, giáo dục, y tế và phát triển kinh tế.

Thứ hai, việc lợi dụng trục lợi tiền thuế làm giảm sự công bằng cho các doanh nghiệp tuân thủ quy định thuế và tác động tiêu cực đến sự cạnh tranh công bằng trên thị trường.  Bên cạnh đó, các hành vi này còn đặt ra thách thức cho cơ quan thuế trong việc xác minh, kiểm tra và giám sát hoạt động tài chính của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này có thể sử dụng các phương pháp phức tạp để che giấu thông tin, làm rối loạn quy trình thuế và làm giảm hiệu quả kiểm soát.

Chính vì những hậu quả trên mà phía các cơ quan quản lý nhà nước về thuế họ rất phải cẩn trọng trong việc hoàn lại thuế cho các doanh nghiệp. Họ sẽ thắt chặt việc quản lý hơn, phân loại mức độ rủi ro của doanh nghiệp, quá trình rà soát, xác minh thông tin sẽ được làm chặt chẽ hơn đồng nghĩa với việc thời gian xử lý sẽ lâu hơn và điều đó ảnh hưởng tới thời gian hoàn thuế cho các doanh nghiệp. Bởi đặc thù hoàn thuế dựa chủ yếu vào hóa đơn, mà doanh nghiệp mua hàng trên cả nước nên hóa đơn cũng do nhiều địa phương khác nhau cung cấp, nên dẫn đến cơ quan thuế khó kiểm soát vấn đề này. Do vẫn còn lúng túng trong việc quản lý dẫn đến có những trường hợp doanh nghiệp thực hiện đúng cũng chịu thiệt trước chính sách hoàn thuế ngặt nghèo.

Vấn đề chậm hoàn thuế tại Việt Nam
Vấn đề chậm hoàn thuế tại Việt Nam

Trong trường hợp, các công ty có chứng minh được các yêu cầu, thì việc chậm trễ của cơ quan thuế sẽ có chế tài như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 75 Luật quản lý thuế 2019, trong trường hợp các công ty chứng minh được là đã nộp hồ sơ cho cơ quan quản lý thuế trong thời gian cho phép tại khoản 1 và 2 điều này lần lượt là đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước thì chậm nhất là 06 ngày làm việc và đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế thì chậm nhất là 40 ngày. Thì theo khoản 3 nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Như vậy, nếu chậm hoàn thuế, Nhà nước phải trả lãi cho DN. Đồng thời cũng có những quy định về chế tài, xử phạt riêng đối với các trường hợp lỗi cho cán bộ, công chức của cơ quan thuế dẫn đến chậm hoàn thuế cho DN.

Nhưng trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không những bị chậm tiền hoàn thuế mà cũng không nhận được tiền lãi từ phía cơ quan thuế mặc dù luật đã quy định. Khó khăn trong việc thực hiện xuất phát từ chính cơ quan thuế vẫn còn chưa nghiêm trong việc quản lý. Những cơ quan thuế thường lấy những lý do như hồ sơ nhiều nên không kịp ký hay do bên trên chưa rót vốn xuống nên chưa thể hoàn thuế cho doanh ngiệp. Nên nhiều doanh nghiệp bởi vì bị chậm hoàn trả thuế đã phải vay ngân hàng nên họ đề nghị rằng Bộ Tài chính phải thay doanh nghiệp trả lãi vay ngân hàng trong thời gian chờ đợi hoàn thuế.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan