Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc, Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu

Nội dung bài viết

Từ ngày 22.5.2020, Công dân được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước cấp bản sao điện tử từ sổ gốc, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu, giảm phiền, tiết kiệm chi phí

Tại Điều 10 Nghị định 45/2020 quy định tổ chức, cá nhân được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử đối với các loại giấy tờ, tài liệu chưa được số hóa, lưu trữ, kết nối, chia sẻ với cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Theo đó, thay vì cấp bản sao bằng giấy thì tới đây, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử theo 2 cách: Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc và Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu.

Với trường hợp cấp bản sao từ sổ gốc, bản sao này có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tương tự, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy cũng có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thưa Luật sư Thanh Hà, theo nghị định này thì điều kiện để công dân thực hiện thủ tục này có khó khăn hay không với đa số người dân?

Quy định này là một bước tiến khá lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính vì vậy đa số người dân sẽ không khỏi bỡ ngỡ khi mới tiếp cận. Ban đầu có thể hơi khó khăn vì những lý do như sau:

Thứ nhất, để yêu cầu cấp bản sao điện tử, người dân phải thực hiện các thao tác lập tài khoản trên các cổng thông tin điện tử quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh hoặc sử dụng danh tính điện tử do các tổ chức cung cấp định danh điện tử đã kết nối, tích hợp với nền tảng trao đổi định danh điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính. Việc này là có thể gây khó khăn khi thao tác đặc biệt là với đa số bộ phận trung niên và cao tuổi vì họ ít khi tiếp xúc với công nghệ thông tin.

Thứ hai, vì Việt Nam mới tiếp cận với hình thức này nên các cổng thông tin điện tử còn chưa được thiết lập đầy đủ và có sự chênh lệch về chất lượng, điều kiện giữa các cấp hay các địa phương. Và không chỉ người dân còn đang bỡ ngỡ mà nhiều cán bộ cũng chưa kịp tiếp nhận đầy đủ về kiến thức để thực hiện quy định mới này. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện các yêu cầu của người dân.

Tuy bước đầu có thể khó khăn, nhưng khi người dân cũng như cán bộ có liên quan được phổ cập đầy đủ về hình thức này và các Cổng thông tin hay Cổng dịch vụ công quốc gia được nâng cấp và cải thiện thì nghị định mới này lại mang lại cho đa số người dân những lợi ích, không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tiết kiệm tiền bạc và công sức. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên phối hợp và có mặt kịp thời để giúp người dân giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục này.

Vậy đối với loại tài liệu nào thì công dân dược yêu cầu thực hiện cấp bản sao điện tử từ sổ gốc và Chứng thực bản sao điện tử?

Quy định về cấp bản sao điện tử và chứng thực bản sao điện tử được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử theo 2 cách: Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc và Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu

Theo đó, tuỳ theo nhu cầu, người dân có thể yêu cầu cấp bản sao điện tử từ sổ gốc hay chứng thực bản sao điện tử bất cứ tài liệu, giấy tờ nào miễn là các giấy tờ, tài liệu chưa được số hóa, lưu giữ, kết nối, chia sẻ thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnhh.

Có một thực tế là đa số người dân chưa quen với các thủ tục điện tử thậm chí chỉ có niềm tin vào bản chính, bản sao giấy như trước. Là một luật sư, ông có thể nói rõ về giá trị pháp lý của những bản sao điện tử, chứng thực bản sao điện tử?

Theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP thì bản sao điện tử, chứng thực bản sao điện tử được định nghĩa như sau:

Bản sao điện tử là bản chụp dưới dạng điện tử từ bản chính dạng văn bản giấy hoặc tập tin có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc, bản chính dạng văn bản giấy.

Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính.

Cũng theo Nghị định này thì Bản sao điện tử có giá trị pháp lý tương đương như sau:

- Bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Các bản sao này sẽ được lưu giữ trên Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Cổng dịch vụ công quốc gia dựa theo tài khoản đăng ký.

Cảm ơn những chia sẻ của Luật sư về vấn đề trên!

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan