Cảnh giác với quảng cáo thực phẩm chức năng trên youtube

Nội dung bài viết

Gần đây, người dùng mạng xã hội Youtube không khỏi thấy khó chịu và phiền toái trước hàng loạt quảng cáo về các sản phẩm được mệnh danh là thuốc đông y gia truyền, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ với những lời rao thần thánh…. “nhà tôi ba đời trị bệnh…. Cam kết khỏi bệnh 100%…”. Trước hiện tượng này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã giải đáp thắc mắc dưới góc độ pháp luật như sau:

  1. Một số quy định pháp luật liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là youtube?

Trả lời:

Hiện nay, pháp luật đã có các quy định để điều chỉnh, quản lý hoạt động quảng cáo nói chung và quảng cáo thực phẩm chức năng nói riêng. Các quy định nằm tại Luật Quảng cáo 2012, Luật An toàn thực phẩm 2010 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Để quảng cáo thực phẩm chức năng, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện về quảng cáo sản phẩm như có các tài liệu công bố đối với thực phẩm chức năng là Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm còn hiệu lực. Khi đáp ứng được điều kiện thì doanh nghiệp phải đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Như vậy, có thể thấy không phải sản phẩm nào cũng có thể được quảng cáo mà phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định của luật, đồng thời, đã được xem xét, xác nhận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về các hành vi cấm trong quảng cáo cũng như chế tài xử phạt nếu cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quảng cáo.

  1. Hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh trên youtube có thể bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Những cá nhân tiếp tay cho hành vi gian dối, như nhận đóng giả là người sử dụng thuốc để quảng cáo công dụng sản phẩm có vi phạm pháp luật hay không?

Trả lời:

Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như: Quảng cáo sai sự thật; Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;…

Mức phạt cho những hành vi này là phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng, đồng thời, buộc tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo.

Bên cạnh đó, nếu đối tượng vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà vẫn tái phạm thì có thể bị xử lý hình sự về Tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài ra, hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với những cá nhân đóng giả làm người sử dụng thuốc thì hiện nay, chưa có quy định cụ thể với họ. Xét về mặt đạo đức, những người này đã tiếp tay cho việc lừa dối khách hàng. Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, bổ sung các quy định để ràng buộc những cá nhân khi xuất hiện trong các clip quảng cáo phải có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình, nhất là đối với các sản phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.

  1. Để ngăn chặn tình trạng này, ở góc độ pháp luật, xin ông đưa ra một số giải pháp?

Trả lời:

Để ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật qua phương tiện truyền thông xuyên biên giới và máy chủ đặt ở nước ngoài, chỉ có thể viện đến sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền, cũng tương tự như cách Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc với Facebook trước đây khi mà Facebook cũng tràn lan những quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng sự thật. Bộ Y tế đã yêu cầu Facebook phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và nhờ đó, nhiều nội dung quảng cáo không đúng sự thật đã được loại bỏ.

Hiện nay, đối với việc quảng cáo các sản phẩm chức năng, về mặt sản phẩm sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật An toàn thực phẩm 2010, còn về mặt quảng cáo sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Quảng cáo 2012, cùng các văn bản hướng dẫn liên quan. Hệ thống văn bản điều chỉnh hiện nay đã khá đầy đủ, tuy nhiên, cần có sự thanh tra, kiểm tra sát sao hơn, rà soát, phát hiện và xử lí những vi phạm xuất hiện nhan nhản, gây bức xúc cho người dân. Ngoài ra, cần có sự sửa đổi, bổ sung chi tiết trong quy định pháp luật về quảng cáo xuyên biên giới.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan