Dạo gần đây, tại khắp các trang web giao bán bất động sản Thành phố Hà Nội rầm rộ thông tin rao bán nhà ở xã hội, hứa hẹn khách hàng chỉ cần nộp phí "bôi trơn" 300 triệu thì chắc chắn sẽ có suất mua, không cần phải trải qua các bước xét duyệt theo quy định. Xét thấy đây là một tình trạng đáng báo động và cần cảnh giác, Luật sư Nguyễn Thanh Hà sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề này như sau:
Thưa ông, đánh vào nhu cầu của nhiều người, nhất là đối với những người có thu nhập thấp, gần đây các trang mạng lại nhộn nhịp với những lời quảng cáo mua bán nhà ở xã hội. Ông đánh giá sao về tình trạng này?
Trả lời:
Việc mua bán nhà ở xã hội thông qua cò mồi có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua, thậm chí bị thu hồi nhà ở xã hội đã mua. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều người vẫn tìm đến cò mồi để mong muốn mua được nhà ở một cách nhanh chóng, thuận lợi vì các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nhu cầu nhà ở xã hội ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh rất lớn trong khi nguồn cung thì eo hẹp. Chính việc thiếu cân bằng giữa cung và cầu về nhà ở xã hội đã gây ra hiện tượng sốt giá, bởi số người đăng ký mua luôn vượt số căn hộ được rao bán.
Thứ hai, bắt nguồn từ quy định việc thực hiện mua nhà trong trường hợp số người mua nhiều hơn số căn hộ bán thì tiến hành bốc thăm. Thực tế cho thấy, việc bốc thăm mua nhà ở xã hội đang có dấu hiệu không minh bạch. Bởi, lợi dụng nhu cầu cầu nhà ở xã hội tăng cao, nhiều cò mồi đã tìm đủ mọi cách để quảng bá ngay cả khi dự án còn chưa xây dựng.
Thông qua sự việc ở dự án nhà ở xã hội 01 Hạ Đình hiện tại, và các dự án trước đây như nhà ở xã hội Nam Kim Giang, dự án IEC Thanh Trì ... việc cò đất thu tiền chênh lệch làm loạn thị trường, không đảm bảo minh bạch trong quá trình mua – bán nhà ở xã hội, thiệt hại cho cả chủ đầu tư, người mua và Nhà nước và đồng thời gây mất lòng tin của đối tượng mua nhà ở xã hội đáng ra họ phải được thụ hưởng nhà với số tiền mua ở mức tối thiểu.
Thưa ông, việc mua bán nhà ở xã hội qua cò mồi, về Luật thì người dân sẽ phải chịu những thiệt hại, cũng như rủi ro như thế nào?
Trả lời:
Khi thực hiện mua nhà ở xã hội qua cò mồi mà không phải chủ đầu tư, người mua nhà sẽ gặp rất nhiều rủi ro và thiệt hại về mặt thông tin, tài chính và nhà ở.
Thứ nhất, rủi ro về mặt thông tin, người mua sẽ không được tiếp cận các thông tin chính thống của chủ đầu tư được đưa ra mà chỉ nghe những lời lừa đảo từ cò mồi đất.
Thứ hai, rủi ro về tài chính, dự án chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý, chưa được phép huy động vốn mà cò mồi vẫn thu tiền bằng cách thức soạn thảo ra hợp đồng, thậm chí hợp đồng viết tay hoặc nhận tiền cọc trực tiếp. Đối với các giao dịch dân sự không có chứng cứ như “giao dịch chui” hay khoản tiền chênh lệch đơn thuần thì khó lòng khởi kiện dân sự; nếu không có các yếu tố lừa đảo khì cũng rất khó để khởi tố hình sự. Khi xảy ra tranh chấp, người mua khó thu lại số tiền đã bỏ ra kể cả khi người môi giới đó bị bắt hoặc khởi tố.
Thứ ba, rủi ro về nhà ở, đơn thuần muốn trục lợi, muốn mua nhà ở xã hội nhưng lại không đủ điều kiện, để được giá rẻ hoặc để tranh suất nhà đẹp mà mốc nối với cò mòi, người mua có thể trực tiếp là mất nhà vì thực tế không có giao dịch mua nhà, nếu tốt hơn thì có nhà đó tuy nhiên dự án chưa khởi công, việc đợi có nhà ở cần rất nhiều thời gian thậm chí là vô vọng.
Qua đây, ông có thể đưa ra 1 số lời khuyên để giúp người dân không mắc phải những thủ đoạn lừa đảo này?
Trả lời:
Khi tham gia những giao dịch chui, mập mờ, người dân sẽ khó được bảo vệ, được đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp nhờ pháp luật, đành chấp nhận, chịu ngậm đắng nuốt cay. Vì thế, người dân cần ý thức được những rủi ro pháp lý khi tham gia vào những giao dịch này để cân nhắc về quyết định của mình.
Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin các dự án nhà ở xã hội được phép mở bán. Đồng thời, trên cổng thông tin Sở Xây dựng cũng nêu rõ thông tin về dự án, giá bán, chủ đầu tư, thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng kí mua, số điện thoại liên hệ của chủ đầu tư … để tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu về dự án mà mình quan tâm.
Vì vậy, người dân cần tìm hiểu, cập nhật về dự án qua những thông tin chính thống này, chỉ nên ý hợp đồng mua bán trực tiếp với chủ đầu tư uy tín khi dự án đã xây xong móng, được cấp phép bán. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện mình bị lừa, người dân cần mạnh dạn đến cơ quan có thẩm quyền trình báo sự việc, để các cơ quan kịp thời điều tra, giải quyết.