Trong bài viết "Cảnh báo lừa đảo khi mua nhà ở xã hội" được đăng trên trang báo Quân đội Nhân ngày 01/04/2025, đã phỏng vấn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law về các chiêu trò lừa đảo khi mua nhà ở xã hội và cách phòng tránh rủi ro. Kính mời Quý độc giả theo dõi bài viết dưới đây để trang bị cho mình kiến thức cần thiết đảm bảo giao dịch an toàn:
QĐND-Nhà ở xã hội là một loại hình bất động sản đặc thù, được Nhà nước hỗ trợ nhằm giúp đỡ những người có thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu lớn và sự thiếu hiểu biết về pháp lý của người dân, nhiều đối tượng đã thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng những thủ đoạn tinh vi. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người mua cần hiểu rõ các phương thức lừa đảo phổ biến cũng như những biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Vừa qua, có 24 khách hàng tại Hà Nội đã bị mất tiền khi đặt cọc tiền để mua suất nhà ở xã hội thông qua công ty môi giới. Công ty môi giới đã yêu cầu những người có nhu cầu mua nhà đặt cọc từ 700 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/suất mua. Tuy nhiên, sau khi người dân nộp tiền, công ty lại ngắt liên hệ, chuyển trụ sở. Các suất mua nhà ở xã hội được rao bán thuộc các dự án có vị trí thuận lợi tại Hà Nội, bao gồm: Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm), NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và Hạ Đình (214 Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì).
Theo dõi vụ việc, được biết Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (là chủ đầu tư nhà ở xã hội Hạ Đình) khẳng định, một số trang thông tin bất động sản và các hội, nhóm giao dịch bất động sản thường xuyên đăng tải thông tin về việc giao cọc, mua bán, có suất căn hộ ngoại giao, mở bán dự án nhà ở xã hội UDIC 214 Nguyễn Xiển, đều là những thông tin sai lệch nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân. Dự án nhà ở xã hội tại Hạ Đình chưa đủ điều kiện để nhận hồ sơ đăng ký mua nhà hay nhận đặt cọc, giữ chỗ cho người dân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Mọi hành vi của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào nhân danh chủ đầu tư dự án thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký, tư vấn, đặt cọc, giữ chỗ, giao dịch mua, bán căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Hạ Đình đều là giả mạo, vi phạm pháp luật.

Ảnh: NGUYỄN HUYỀN
Một trong những chiêu trò phổ biến nhất của các đối tượng lừa đảo là hứa hẹn suất nội bộ, ngoại giao. Các môi giới thường quảng cáo rằng có thể giúp khách hàng mua được nhà ở xã hội mà không cần xét duyệt hoặc có suất ưu tiên. Bên cạnh đó, nhiều môi giới sử dụng hình thức ký hợp đồng tư vấn pháp lý hoặc hợp đồng hỗ trợ hồ sơ để lách luật. Họ yêu cầu người mua đặt cọc giữ chỗ hoặc trả phí tư vấn đến vài trăm triệu đồng với lời hứa bảo đảm suất mua nhà hoặc bốc thăm trúng quyền mua. Sau khi người dân có nhu cầu mua nộp tiền chênh, các đối tượng môi giới vẫn tiến hành làm và nộp hồ sơ như bình thường. Đến ngày bốc thăm, nếu người mua may mắn bốc trúng thì môi giới được hưởng tiền chênh, ngược lại nếu bốc không trúng thì môi giới sẽ chuyển trả lại người mua số tiền này. Có nhiều trường hợp, các đối tượng không thực hiện đúng cam kết, cũng không trả lại tiền cọc. Ta có thể hiểu rằng, môi giới không hề có suất nội bộ hay ngoại giao. Hồ sơ đầy đủ, chuẩn theo quy định sẽ được bốc thăm mua. Người mua nên nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư, tránh mất tiền oan cho môi giới.
Ngoài ra, một số trường hợp khác, môi giới cam kết giao nhà nhanh chóng mà không cần xét duyệt. Quy trình xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội thường kéo dài 30-60 ngày và phải tuân theo các tiêu chí cụ thể về thu nhập, tình trạng nhà ở và hộ khẩu thường trú. Nếu có người tuyên bố có thể “chạy suất” trong thời gian ngắn mà không cần đáp ứng các điều kiện pháp lý, rất có thể đó là dấu hiệu của hành vi lừa đảo.
Để tránh bị lừa đảo khi mua nhà ở xã hội, người dân cần trang bị kiến thức pháp lý và thận trọng trong mọi giao dịch. Trước hết, cần xác minh tính pháp lý của dự án thông qua sở xây dựng địa phương hoặc Bộ Xây dựng để bảo đảm dự án đã được cấp phép hợp pháp. Người mua nên làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, không thông qua trung gian mập mờ và chỉ ký hợp đồng có công chứng rõ ràng. Tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa có hợp đồng hợp pháp, đặc biệt nếu môi giới yêu cầu đặt cọc mà không có giấy tờ bảo đảm. Đồng thời cần kiểm tra kỹ quy trình mua bán, bởi nhà ở xã hội không thể giao dịch tùy tiện hay “chạy suất” ngoài quy định. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người dân nên báo ngay cho cơ quan chức năng, bao gồm sở xây dựng, Bộ Xây dựng hoặc cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời.
Trong trường hợp không may bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi. Trước tiên, cần thu thập đầy đủ bằng chứng, bao gồm hợp đồng, biên lai chuyển tiền, tin nhắn và email trao đổi với môi giới để làm cơ sở khiếu nại hoặc tố cáo. Tiếp đó, người mua có thể gửi đơn khiếu nại lên chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản hoặc sở xây dựng địa phương để yêu cầu giải quyết. Nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, cần tố giác ngay đến cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03-Bộ Công an).
Luật sư NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw