Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa có những khuyến cáo cho nhà đầu tư liên quan đến các hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được cấp phép. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những chia sẻ về vấn đề trên như sau, Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi: Ủy ban CK nhà nước vừa đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư về một số app giao dịch như Finhay; Infina, Savenow... huy động vốn dưới hình thức hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán không dc cấp phép. UbCKNN khuyến cáo, nhà đầu tư tham gia có thể gặp rủi ro. Em xin phép xin anh ý kiến về các rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải với ạ.
Trả lời:
Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa có những khuyến cáo cho nhà đầu tư liên quan đến các hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được đơn vị này cấp phép. Theo đó, phía ủy ban cho biết trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch như Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF, … sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn. Tuy nhiên lại có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được ủy ban cấp phép, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích. Ủy ban Chứng khoán nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
Một số rủi ro khi tham gia các giao dịch trên các ứng dụng Finhay, Savenow, Infina, …và của Fintech nói chung sẽ tiềm ẩn một số rủi ro sau:
Rủi ro đầu tiên khi đầu tư vào fintech là fintech là mô hình kinh doanh mới, chưa có khung pháp lý đầy đủ, do đó, khi xảy ra tranh chấp, quyền và lợi ích của nhà đầu tư rất khó được đảm bảo.
Thứ hai, rủi ro trong quá trình thanh toán: Fintech tài chính và ngân hàng hướng đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, và các khoản vay vẫn chưa có bảo hiểm tiền gửi đồng thời còn thiếu minh bạch.
Bên cạnh rủi ro khiến cho người đầu tư mất tiền thì người đi vay của Fintech cũng đối mặt với nhiều nguy hiểm về vấn đề lãi suất cũng như chi phí không được minh bạch. Đồng thời, thông tin về người dùng cũng bị đe doạ, các thông tin bảo mật của người dùng có thể bị đánh cắp bởi các app chưa được cấp phép hoạt động và các hoạt động của app này chưa được kiểm soát. Điều này cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các vụ lừa đảo qua các app vay tiền hiện nay, lợi dụng sự cả tin của khách hàng các đối tượng xấu đã đánh cắp dữ liệu trên các app và dụ dỗ khách hàng vay tiền với lãi suất thấp, yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm khoản vay rồi “cuỗm” luôn số tiền đó và “mất tích” không dấu vết.
Ngoài ra, một số hình thức lừa đảo khác của công ty Fintech là: Rao bán các khóa học với học phí cao ngất ngưỡng mà không có giá trị thật; Cung cấp các công cụ robot có chất lượng kém, nhằm lừa tiền khách hàng; Kêu gọi mời chào thành viên mới để được nhận phí hoa hồng, không khác gì đa cấp; Đề ra các dự án ma, lợi nhuận siêu to khổng lồ để dẫn dụ khách hàng nhẹ dạ và thiếu kiến thức. Mặc dù fintech cung cấp nhiều loại hình dịch vụ tài chính, tuy nhiên, sự thuận tiện quá mức có thể khiến một số khách hàng không thực sự hiểu về các quyền hạn lẫn nghĩa vụ của bản thân. Nhiều vấn đề về tính an toàn, chính xác của hệ thống tài chính Fintech vẫn cần được siết chặt và đảm bảo hơn.
Các vấn đề rủi ro tài chính từ các ứng dụng Finhay, Savenow, Infina…vẫn luôn được cảnh báo qua nhiều kênh thông tin thế nhưng vẫn có không ít người mắc phải các rủi ro này. Vậy nên việc sử dụng FinTech hay các ứng dụng Finhay, Savenow, Infina cần được nhà đầu tư cân nhắc thật kỹ và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi đầu tư vào hình thức này, nhất là đầu tư với số vốn lớn.