Cẩn trọng với bẫy vay tiêu dùng từ các công ty tài chính

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về vấn đề Bẫy vay tiêu dùng. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Thưa luật sư, thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều trường hợp người tiêu dùng không biết kêu ai vì bỗng dưng ôm một khoản nợ khi bị tư vấn mời chào mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới dạng cho vay trả góp từ các công ty tài chính. Vậy dấu hiệu nhận biết hoạt động của những công ty tài chính có hoạt động bẫy tiêu dùng này là gì?

Trả lời:

Hiện các công ty tài chính, ngoài hoạt động cho vay mua sản phẩm như điện thoại, điện máy, xe máy… còn có dịch vụ thẻ tín dụng với các khoản vay tiền mặt. Tuy vậy, nếu người vay không tìm hiểu kỹ thì rất dễ “mắc bẫy” khi ký kết hợp đồng vay tiêu dùng trả góp.

Lợi dụng sự chủ quan của người tiêu dùng, các công ty hay cá nhân lừa đảo đã sử dụng sự thiếu thống nhất giữa hợp đồng và thỏa thuận này để trục lợi. Cụ thể, khi tư vấn, nhân viên của bên cho vay thường đưa ra những mức lãi suất vay rất thấp. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận và tiến hành ký kết thì trong hợp đồng lại ghi lãi rất cao. Thậm chí, những công ty này còn có những bản hợp đồng in sẵn với những điều kiện có lợi cho mình và để trống hay in mờ phần lãi suất để đánh lạc hướng người đi vay.

Đối với người đi vay, các bên tư vấn thường tranh thủ tâm lý nôn nóng để hối thúc khách hàng mau chóng đưa ra quyết định. “Đây là suất cuối cùng”, “Còn nhiều người khác đang chờ để vay”, “Mọi người đều hài lòng với việc chất lượng dịch vụ của chúng tôi”, …là những lời nói được sử dụng thường xuyên, khiến người tiêu dùng vội vàng quyết định và ký hợp đồng mà không xem xét kỹ.

2. Trong trường hợp này cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm như thế nào, thưa luật sư?

Trả lời:

Trước tiên trách nhiệm thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khi khách hàng liên tục khiếu nại về hoạt động cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước với bộ máy thanh kiểm tra, giám sát phải đứng ra giải quyết.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng như cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cho người tiêu dùng biết các thủ đoạn của các cá nhân, công ty tài chính bẫy tiêu dùng, đồng thời giúp người dân tiếp cận được những kiến thức đơn giản về tài chính.

Việc hiểu rõ dịch vụ tài chính sẽ giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận. Trong đó có những nội dung quan trọng để quan hệ giữa khách hàng và tổ chức cho vay phải thật sự hiểu nhau, tạo sự bình đẳng, không thiên vị bất cứ bên nào. Bởi quan hệ vay tài chính tiêu dùng là hợp đồng dân sự thỏa thuận, nên cần phải có sự khách quan giữa hai bên. Khi các cơ quan nhà nước quan tâm chuẩn hóa các hợp đồng và khi người dân am hiểu dịch vụ thì bản thân họ sẽ tự giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Hẳn là có khá nhiều người đã trót rơi vào bẫy vay tiêu dùng từ các công ty tài chính muốn khiếu nại để đòi lại quyền lợi. Vậy luật sư có lời khuyên gì cho họ?

Trả lời:

Thực tế cho thấy, giao dịch tài chính là một hoạt động bao gồm nhiều nội dung phức tạp, có tính chuyên môn cao. Để giám sát và quản lý giao dịch này, hợp đồng cho vay là tài liệu quan trọng để xác định trách nhiệm của các bên, cũng như là bằng chứng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, để phòng tránh những rủi ro này thì:

– Trước khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính.

– Lựa chọn công ty, cá nhân uy tín; tránh bị thu hút bởi những lời hứa hẹn sáo rỗng

– Xem xét kỹ lãi suất vay là bao nhiêu, thời hạn trả nợ, phương thức trả, các quy định liên quan đến việc trả chậm, mức phạt là bao nhiêu, cách thức tính phạt là như thế nào?

– Sau khi ký hợp đồng, yêu cầu cung cấp bản sao hoặc sao chụp bản hợp đồng đã ký để lưu giữ.

– Khi có khiếu nại, có thể gửi tới Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản lý Cạnh tranh đề nghị hỗ trợ giải quyết. Trường hợp có thắc mắc hoặc vấn đề phát sinh liên quan tài chính tiêu dùng, người tiêu dùng có thể liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại đầu số miễn phí 1800.6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan