Trong bài "Cần siết chặt quản lý, không cho phép sử dụng thẻ cào điện thoại vào mục đích phi pháp trên mạng" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
ANTD.VN - Việc sử dụng thẻ cào điện thoại như một phương tiện thanh toán để phục vụ cho hành vi đánh bạc online trong đường dây của 2 đối tượng Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cho thấy lỗ hổng lớn trong quản lý thẻ cào điện thoại và hoạt động thanh toán trên internet.
Việc sử dụng thẻ cào điện thoại cho dịch vụ online đang co lại?
Trong vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố”, cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, tiền tham gia đánh bạc online chảy qua 2 đường chính là cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và hệ thống đại lý.
Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỷ đồng (342 tỷ đồng/tháng), trong đó, tiền từ thẻ cào viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng, chiếm 97%. Doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỷ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông).
Mặc dù các nhà mạng vẫn chưa có ý kiến phản hồi chính thức nào trước những ý kiến cho rằng do được hưởng lợi lớn nên đã buông lỏng quản lý thẻ cào nhưng nhiều thông tin cho biết, hoạt động thanh toán bằng thẻ cào điện thoại đang có dấu hiệu bị siết lại.
Sáng 20-3, trên một số nhóm dịch vụ trên mạng có thông tin: “Hiện nay, một số trang web cho phép đổi thẻ điện thoại thành tiền đã xóa bỏ thông tin đổi thẻ và thay vào đó là thông tin đang bảo trì”. Đây các nhóm mà phần lớn người tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ đều đề nghị thanh toán bằng thẻ nạp nên có thể đây là bằng chứng cho thấy nhà mạng hoặc một số đơn vị thanh toán trung gian đang tạm thời co hẹp hoạt động công khai.
Nhiều thành viên của các nhóm trên đã thắc mắc về việc này. Có người còn "hiến kế": “Có thể đổi nạp hết thẻ khách gửi vào điện thoại sau đó ra cửa hàng SIM số đổi lại tiền”, tức là thay vì nhận thẻ nạp rồi qua đơn vị thanh toán trung gian để chuyển thành tiền, thì những người này có thể nạp thẻ cho điện thoại bình thường, sau đó mang ra đại lý SIM thẻ đổi thành tiền mặt.
Trên thực tế, không phải đến gần đây hoạt động thanh toán bằng thẻ cào điện thoại để chơi game, đánh bạc online... mới diễn ra mà từ hàng chục năm trước, những game online đầu tiên xuất hiện đã cho phép người chơi thanh toán bằng thẻ cào.
Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo khiến sản phầm này dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến.
Một chuyên gia viễn thông cho rằng, trước đây, thẻ cào điện thoại được nhắc đến trong Nghị định 25/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông (văn bản này đã hết hiệu lực năm 2016), là một loại hàng hóa chuyên dụng mà không quy định thẻ cào viễn thông được phép dùng vào mục đích gì và cũng chưa có quy định về trách nhiệm của nhà mạng trong việc cung cấp thẻ cào viễn thông làm trung gian thanh toán.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty SBLAW, nhà mạng phải có trách nhiệm với việc người chơi game dùng thẻ cào điện thoại để nạp tiền. Nói cách khác, nhà mạng phải biết thẻ cào để của mình phát ra được dùng để làm gì.
Trong trường hợp có quá nhiều giao dịch nạp thẻ trong một ngày mà nhà mạng không kiểm soát hết được thì cần hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động này để quản lý chặt chẽ hơn.
Theo lãnh đạo một đơn vị chức năng của Bộ TT-TT, việc thanh toán trên mạng bằng thẻ cào viễn thông cho thấy tồn tại một lỗ hổng lớn về hành lang pháp lý. Khung pháp lý hiện hành chưa theo kịp thực tế này.
Các cổng trung gian thanh toán hưởng lợi như thế nào?
Dù các cổng trung gian thanh toán có vai trò nhất định trong hoạt động thanh toán giữa các con bạc và nhà cái nhưng trên thực tế hoạt động thanh toán này lại không được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện phải quản lý. Bản thân các cổng trung gian thanh toán cũng gần như không quản lý việc khách hàng sử dụng tiền chuyển đổi thông qua các cổng này vào mục đích gì.
Một cán bộ đang làm việc tại một đơn vị cung cấp cổng trung gian thanh toán cho hay, bản chất việc việc sử dụng các cổng trung gian thanh toán để chơi game hay đánh bạc trên internet là người chơi dùng tiền mặt hoặc tiền trong thẻ ATM, thẻ ghi nợ quốc tế hay trong các ví điện tử, sau đó thanh toán qua cổng thanh toán rồi mua tiền ảo, thẻ game...
Một số cổng thanh toán (như Nganluong.vn) còn chấp nhận nạp/rút tiền qua thẻ điện thoại với mức phí dao động từ 21-26%. “Tuy nhiên, hiện nay các cổng trung gian thanh toán không quản lý việc khách hàng dùng tiền để làm gì. Bản chất là tiền của họ, có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản và họ muốn sử dụng vào việc gì là quyền của họ. Các đơn vị trung gian thanh toán chỉ hưởng phí dịch vụ khi khách hàng thực hiện thanh toán qua cổng mà thôi” – cán bộ này cho biết.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia, việc các đơn vị trung gian thanh toán cho phép khách hàng sử dụng thẻ cào điện thoại để nạp hay rút tiền từ ví điện tử là không đúng quy định của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Thêm nữa, việc các doanh nghiệp thanh toán trực tuyến không nắm được nội dung thanh toán cho dịch vụ gì, dẫn tới tình trạng không thực hiện nghĩa vụ từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game trên mạng cũng vi phạm Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin truyền thông, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
“Đặc biệt, nếu các đơn vị này mà biết, thậm chí là có phối hợp với các nhà cung cấp game để hưởng lợi nhuận thì sẽ phải chịu trách nhiệm” – chuyên gia này cho biết.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, trong tháng 5/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet.
Nguồn: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/can-siet-chat-quan-ly-khong-cho-phep-su-dung-the-cao-dien-thoai-vao-muc-dich-phi-phap-tren-mang/761197.antd
Dưới đây là video giới thiệu về Công ty Luật TNHH SB LAW. Mời quý vị đón xem tại đây: