Cần phải làm gì để có thể về Việt Nam làm giấy tờ kết hôn với bạn gái?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Netviet về: Cần phải làm gì để có thể về Việt Nam làm giấy tờ kết hôn với bạn gái? Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Tôi có một người bạn qua Hàn Quốc du học. Bạn ấy đã quá hạn giấy tờ và đã lưu vong 4 năm. Hiện nay bạn ấy đang quen một bạn gái Việt Nam có quốc tịch Hàn Quốc. Hai người đang dự định về Việt Nam kết hôn. Xin hỏi bạn tôi cần phải làm gì để có thể về Việt Nam làm giấy tờ kết hôn với bạn gái? Sau đó bạn tôi có thể quay lại Hàn Quốc hay không?

Luật sư tư vấn:

  1. Vấn đề về người Việt Nam định cư ở nước ngoài kết hôn tại Việt Nam:

Theo Khoản 1 và 2, Điều 6 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/03/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi tắt là “Nghị định 24”), nếu công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau mà có một bên định cư ở nước ngoài thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam sẽ thực hiện đăng ký kết hôn.

Trong trường hợp, nếu cả hai người không còn quốc tịch Việt Nam, nhưng có quốc tịch nước ngoài thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn. Nếu cả hai bên không đăng ký thường trú tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên, thực hiện đăng ký kết hôn.

Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được về Việt Nam để kết hôn và làm thủ tục kết hôn theo quy định pháp luật nêu trên. Những giấy tờ cần thiết để thực hiện thủ tục kết hôn bao gồm (Căn cứ Điều 7,8,9,10 của Nghị định 24):

  • Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu do cơ quan có thẩm quyền cung cấp);
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ;
  • Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người có quốc tịch Hàn Quốc do cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có chồng/vợ;
  • Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người có quốc tịch Hàn Quốc không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
  • Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
  • Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam kết hôn với nhau).

Sau khi chuẩn bị các giấy tờ nêu trên, một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp địa phương nơi công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Trong thời hạn khoảng từ 50 – 60 ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tổ chức lễ đăng ký kết hôn.

  1. Vấn đề trở về Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể trở về Việt Nam theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của Hàn Quốc và nhập cảnh vào Việt Nam khi có Hộ chiếu hoặc giấy thông hành biên giới, giấy thông hành hồi hương… theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 của Chính phủ quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (gọi tắt là “Nghị định 136”).

  1. Vấn đề xuất cảnh sang Hàn Quốc:

Theo Nghị định 136, nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương như nêu ở trên sẽ được xuất cảnh. Tuy nhiên, việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được quay trở lại Hàn Quốc hay không còn tùy thuộc vào pháp luật Hàn Quốc quy định về vấn đề này.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan