Cần nắm chắc Pháp luật về tội che giấu, không tố giác tội phạm để không tiếp tay cho tội phạm

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời về Tội che giấu, không tố giác tội phạm trong Chương trình Bạn và pháp luật. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Thưa luật sư! Qua phóng sự vừa rồi có thể thấy, vì tình cảm cá nhân, gia đình, ruột thịt mà nhiều người đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho quá trình lẩn trốn của các đối tượng phạm tội, có người thậm chí đã bị pháp luật xử lý. Hiện tượng này có phổ biến trong các vụ án hình sự không, thưa ông?

Trả lời:

Vụ án xảy ra, kẻ thủ ác phải bị trừng phạt, đó là lẽ tất yếu. Nhưng cùng với đó là không ít trường hợp người phạm tội đã lôi kéo người thân trong gia đình dính vòng lao lý một cách rất ngờ nghệch. Dù vô tình hay hữu ý, thì mọi sự dính dáng theo kiểu này đều không bao giờ có thể đem lại một kết quả tốt, cho cả người thân lẫn người lôi kéo. Có một thực tế đáng buồn là nhiều người khi tham gia vào hành vi phạm tội nhưng lại không biết mình đang phạm tội. Chỉ đến khi bị cơ quan điều tra triệu tập lấy cung và giải thích thì họ mới biết, hành vi mà họ thực hiện đã cấu thành tội phạm. Sau đó, họ phải ra trước vành móng ngựa và phải nhận bản án tù mà lẽ ra, nếu hiểu biết về pháp luật thì bản án đó đã không có với họ. Thực tế tại các phiên tòa đã chứng minh, nhiều người khi phạm tội "che giấu tội phạm" hoặc "không tố giác tội phạm" có thể một phần do họ chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm công dân, hoặc có thể cố tình che giấu người thân có hành vi phạm tội.

Câu 2: Theo Bộ luật hình sự 2015 thì tội Che giấu tội phạm và Không tố giác tội phạm được quy định như thế nào, thưa Luật sư? Quy định của hai tội danh này có gì khác so với trước đây không?

Trả lời:

Thứ nhất, về hành vi che giấu tội phạm:

Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì:

Điều 18. Che giấu tội phạm

1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.

Như vậy, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm khoản 2 quy định về việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS.

Điều 389 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về Tội che giấu tội phạm như sau:

1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;

b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;

c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;

d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;

đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;

e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;

g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;

h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;

i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;

k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.

2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Thứ hai, về hành vi không tố giác tội phạm:

Điều 19 BLHS có quy định về hành vi không tố giác tội phạm như sau:

Điều 19. Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa”.

Như vậy, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm. Về nguyên tắc, người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà mình biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về Tội không tố giác tội phạm như sau:

Điều 390. Tội không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.

Câu 3: Qua hộp thư điện tử của chương trình thì Chị Hoàng Thị Lam (Quốc Oai, Hà Nội) có hỏi: Tôi đọc tin tức trên mạng xã hội, xem các chương trình xét xử vụ án hình sự trên truyền hình trong thời gian qua thì tôi có thắc mắc mong được giải đáp sau: tội không tố giác tội phạm và tội che giấu tội phạm có những điểm gì giống và khác nhau?

Xin mời luật sư giải đáp thắc mắc của thính giả

Trả lời:

* Những điểm giống nhau:

Thứ nhất, đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự của hai loại tội này là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

Thứ hai, về mặt chủ quan: Cả hai loại tội này đều là lỗ cố ý. Người che giấu tội phạm và người không tố giác tội phạm biết rõ tội phạm đã được thực hiện, biết rõ hành vi là cản trở hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, gây khó khăn cho hoạt động này, tuy nhiên họ mong muốn che giấu trót lọt tội phạm.

* Những điểm khác nhau:

Thứ nhất, đối với Tội che giấu tội phạm:

Mặt khách quan, tội che giấu tội phạm được thực hiện bằng phương pháp hành động, tội này được thực hiện bằng các hành vi: che giấu người phạm tội, che giấu các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc hành vi khác cản trở việc điều tra, xử lý người phạm tội. Những hành vi này được thực hiện một cách độc lập, sau khi người khác đã thực hiện tội phạm mà không hứa hẹn trước, vì vậy tội này không có đồng phạm, mà là tội phạm độc lập.

Mức hình phạt đối với loại tội này: Điều 389 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt đối với tội che giấu tội phạm là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Ngoài ra phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Thứ hai, đối với Tội không tố giác tội phạm:

Mặt khách quan của tội này được thực hiện bằng phương pháp không hành động. Lẽ ra người phạm tội khi biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện phải tố giác với cơ quan có thẩm quyền, nhưng họ đã không thực hiện trách nhiệm của mình. Khác với tội che giấu tội phạm, tội không tố giác tội phạm được thực hiện khi tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác.

Mức hình phạt đối với loại tội này: Điều 390 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt đối với tội không tố giác tội phạm là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Câu 4: Trong phóng sự ở phần đầu chương trình thì những nhân vật được nhắc đến đều là người có mối quan hệ mật thiết với người phạm tội, có trường hợp là cha con (trong trường hợp của Lê Văn Luyện và cha), trong trường hợp là người yêu, người tình (chị Nguyễn Thị Hán là người yêu của Đặng Văn Hùng), mẹ của bị cáo Nguyễn Văn Tình là người thân. Nhưng cách ứng xử khác nhau với tội phạm đã quyết định số phận pháp lý của họ khác nhau. Vậy khi xét xử, tòa án sẽ căn cứ vào các dấu hiệu gì để ra quyết định có tội hay không có tội?

Trả lời:

Tòa án sẽ xem xét hành vi của những đối tượng này có đủ cấu thành nên Tội che giấu tội phạm hay Tội không tố giác tội phạm hay không.

Ví dụ: Trong vụ thảm sát nghiêm trọng đã xảy ra ở Yên Bái năm 2016, Đặng Văn Hùng đã giết người hàng loạt và bỏ đi tìm chị Nguyễn Thị Hán (36 tuổi) người làm thuê nhà Hùng và rủ bỏ chạy. Chạy được một thời gian thì Hùng kể chuyện mình sát hại cả gia đình anh Long và đòi tự tử. Chị Hán đã ngăn cản và khuyên ra đầu thú nhưng Hùng không đồng tình. Lo sợ, chị Hán gọi điện báo người khác nên Hùng giữ điện thoại của chị Hán suốt.

Tuy nhiên quá trình điều tra, sau một thời gian xét hỏi, công an đã thả chị Nguyễn Thị Hán, người tình của Hùng. Bởi vì dù cùng ăn, cùng ngủ trên đường với tội phạm là do bị ép buộc, đe dọa nên hành vi của chị không cấu thành tội phạm.

Câu 5: Theo quy định thì đối với người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị em ruột, vợ, chồng của người phạm tội thì không phải tất cả những trường hợp không tố giác tội phạm đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mà họ sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi không tố giác tội phạm trong một số trường hợp Ở đây lại có một vấn đề đặt ra, đó là luật pháp thì như vậy, nhưng thực tiễn là không phải ông bố nào, bà mẹ nào, người thân nào cũng biết rằng hành vi của con mình là xâm phạm an ninh quốc gia, hay đặc biệt nghiêm trọng, hay chỉ là vi phạm trật tự xã hội để mà tố giác kịp thời, hay bỏ qua, quan điểm của Luật sư về vấn đề này ra sao?

Trả lời:

Điều 3 và Điều 4 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về nguyên tắc xử lý và trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Trong đó quy định mọi công dân, cơ quan, tổ chức đều có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Theo đó, dù có biết hay không biết hành vi của người thân xâm phạm tới an ninh quốc gia hay là trật tự xã hội, nhưng thấy có những dấu hiệu của tội phạm thì trách nhiệm của người này trước hết là phải ngăn chặn, phải khuyên giải, phải tố giác, phải báo cáo với những cơ quan có trách nhiệm.

Do đó, mấu chốt để xử lý vấn đề này là phòng ngừa từ trong gia đình, tức là phải đi từ đơn vị thấp nhất, căn bản nhất của xã hội thì mới có hiệu quả.

Câu 6: Liên quan đến nội dung đang trao đổi, chúng tôi có nhận được thắc mắc của thính giả tên Lộc ở Nam Định với nội dung:

Băng:Tôi muốn hỏi: Người phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự đã xảy ra từ lâu nhưng chưa bị tố cáo thì nay có tố cáo được không? Người 13-16 tuổi có quyền tố cáo không?”

Trả lời:

Tố giác tội phạm là việc một người trình báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phát hiện một người (hoặc một nhóm người) đang, đã hoặc chuẩn bị thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Pháp luật hình sự cũng có quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó, người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa, trừ các tội quy định tại Điều 28 BLHS như: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này, …

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

  • 5 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng.
  • 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng.
  • 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng
  • 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Vì vậy, nếu tội phạm được thực hiện đã từ rất lâu, hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 không có quy định giới hạn về độ tuổi công dân được thực hiện việc tố giác tội phạm. Nhà nước khuyến khích mọi người thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Trường hợp người chưa thành niên phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật cần báo ngay cho cha mẹ, thầy cô giáo hoặc những người lớn tuổi để những người này giúp đỡ trong việc tố giác tội phạm trước cơ quan có thẩm quyền.

Câu 7: Qua đường dây nóng của chương trình, chúng tôi cũng nhận được thắc mắc của thính giả có số điện thoại số cuối là 5829, với nội dung như sau:

Bạn em có làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu vành. Làm được 2 năm thì gần đây phát hiện công ty nhập hàng giả từ trung quốc để bán. Nếu như bây giờ công ty bị điều tra về tội buôn hàng giả thì bạn em có bị truy cứu hình sự không.”

Trả lời:

Với hành vi bán hàng giả có thể bị xử lý như sau:

Thứ nhất, xử phạt hành chính:

Khoản 1 Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định như sau:

“1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, tùy thuộc vào yếu tố nào bị làm giả, như hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì có những mức phạt khác nhau.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

“Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Làm chết người;

h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

l) Buôn bán qua biên giới;

m) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.

Tội không tố giác được quy định tại Điều 390 BLHS:

“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.

Theo đó, không tố giác tội phạm, được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện.

Dẫn chiếu đến Điều 389 thì:

1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

…… d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, …”.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi công ty đã buôn bán vàng giả mà nếu bị xử lý ở mức độ hành chính thì bạn sẽ không bị sao. Nhưng nếu số lượng hàng giả bán ra thị trường lớn, gây hậu quả nghiêm trọng mà công ty bị khởi tố vụ án hình sự thì khi cơ quan cảnh sát điều tra hình sự vào cuộc điều tra, hỏi cung, lấy lời khai của bạn mà phát hiện ra là bạn đã biết rõ hành vi buôn bán hàng giả của công ty mà không tố giác thì bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 390 BLHS 2015.

Câu 8: Bạn tôi sau khi thực hiện hành vi cướp giật một xe máy Wave trị giá 20 triệu đồng đã mang đến nhà tôi để cất. Tuy nhiên, trước đó tôi không hề biết về hành vi của bạn tôi, chỉ sau khi bạn tôi mang xe đến, bị tôi gặng hỏi tôi mới biết nhưng tôi vẫn cho bạn giấu xe ở nhà mình. Hiện nay, bạn tôi đã bị bắt để điều tra về hành vi cướp giật tài sản theo Điều 136 Bộ luật Hình sự. Nếu bạn tôi khai ra tôi thì tôi có bị bắt không?

Trả lời:

Điều 18 BLHS năm 2015 quy định về che giấu tội phạm như sau:

“Điều 18. Che giấu tội phạm

1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định …”.

Điều 389 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về Tội che giấu tội phạm như sau:

1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;

b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;

c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;

d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;

đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;

e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259; …”.

Như vậy, với hành vi của bạn là không hẹn trước mà giúp bạn của bạn giấu tài sản là chiếc xe Wave cướp giật là hành vi che giấu tội phạm. Tuy nhiên, do tội mà bạn của bạn phạm là tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS), không thuộc các tội cấu thành tội che giấu tội phạm quy định tại Điều 389, do đó bạn sẽ không bị truy cứu về hành vi của mình.

Câu 9: Thưa luật sư, khi phát hiện ra bạn bè, người thân của mình vi phạm pháp luật thì chúng ta cần ứng xử ra sao để không tiếp tay cho tội phạm, tránh bị xử lý trước pháp luật?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật, khi phát hiện hành vi phạm tội của bạn bè, người thân, bạn có nghĩa vụ phải tố giác hành vi phạm tội đến cơ quan công an có thẩm quyền. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của người phạm tội và tình cảm giữa hai người thì bạn nên động viên và khuyên nhủ người phạm tội ra đầu thú tại cơ quan công an có thẩm quyền để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp vụ án bị khởi tố và xét xử theo quy định của pháp luật.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan