Cần cơ chế đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu khi doanh nghiệp 'vỡ nợ'

Nội dung bài viết

Nhiều nhà đầu tư cá nhân lo lắng không lấy lại được tiền đã mua trái phiếu doanh nghiệp. Một số chủ doanh nghiệp mong muốn bán các dự án để xử lý, trả lại tiền cho nhà đầu tư, nhưng cơ chế xử lý hiện nay không được phép.

Tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” ngày 13/9, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, tổng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cuối năm nay là 84.000 tỷ đồng, cả năm sau 140.000 tỷ đồng.

Theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, tổng dư nợ TPDN vào khoảng 1,5 triệu tỷ, trong khi tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng 5 triệu tỷ. Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng khoảng 30-35%/năm. Nếu tính toán theo công thức, có nghĩa 2 năm sau, khối lượng trái phiếu tăng gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ. Con  số 11,2 triệu tỷ này "gánh" được gần như vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn hạn cho vay.

Từ những con số này, các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, bên cạnh tín dụng, IPO cổ phiếu, một số hình thức đầu tư như FDI, quỹ, thì trái phiếu thực sự là kênh huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp, không chỉ trong lĩnh vực bất động sản.

Lưu ý thị trường trái phiếu vô cùng quan trọng, nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường, theo ông Nghĩa: Hiện tại chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này.

Cần xử lý nguy cơ vỡ nợ trái phiếu

Nhìn nhận về thị trường trái phiếu Việt Nam, TS. Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay: "Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Vậy, ở Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa? Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng".

"Tôi cho rằng, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì chúng ta cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có các định chế xếp hạng "sức khỏe" của doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình", ông Phước nói.

Bình luận về những vấn đề được ông Phước nêu ra, TS Võ Trí Thành cho biết, thời gian qua đúng là có nhiều điều chúng ta chưa hài lòng về thị trường trái phiếu, trong đó có vấn đề về bộ máy giám sát, điều tiết thị trường. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu của Việt Nam không cần phải xóa đi lập lại, mà trong bối cảnh mới có thể xem xét lại vai trò và trách nhiệm của ủy ban giám sát.

Từ những bất cập trên, các chuyên gia kỳ vọng, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ sẽ “lấp” được những khiếm khuyết của thị trường hiện nay. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.

Dưới góc độ luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, thời gian qua xảy ra một số vụ việc liên quan trái phiếu, ông được một số nhà đầu tư cá nhân mời đại diện làm việc với nhà phát hành trái phiếu.

"Khi đại diện nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân làm việc, họ chỉ có mong muốn lấy lại tiền khi mua trái phiếu, đặc biệt trái phiếu đến hạn nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vướng lao lý. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế để xử lý", ông Hà nêu vấn đề.

Do đó, vị luật sư này cho rằng, vấn đề ở đây về khía cạnh tư pháp, Chính phủ cần nghiên cứu xử lý những trường hợp doanh nghiệp sắp tới đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư, cần có cơ chế xử lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Trong Nghị định 153 sửa đổi cần có cơ chế đảm bảo việc đó, khi mà niềm tin nhà đầu tư đi xuống sau những vụ việc vừa qua.

Theo TS. Trương Văn Phước, Nghị định 153 sửa đổi cần quan tâm đến điều này và việc sửa đổi phải đặt vấn đề bảo vệ nhà đầu tư lên trên hết.

“Suy cho cùng đã vay là phải trả, người phát hành hiểu rõ nhất khả năng khoản trả là bao nhiêu”, ông  Phước nói.

TS. Trương Văn Phước đặt vấn đề: các ngân hàng đã giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch, với số trái phiếu sắp đáo hạn có nên như thế không?

Đồng tình, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Điều quan trọng là khi chúng ta tham gia thị trường đều có niềm tin, luật chơi ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin.

"Xây dựng những định chế đảm bảo rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư", ông Tú Anh nói.

Nguồn:https://vnbusiness.vn/tien-te/can-co-che-dam-bao-quyen-loi-nha-dau-tu-trai-phieu-khi-doanh-nghiep-vo-no-1087878.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan